Có tất cả bốn tù binh VN bị phỏng vấn ở Phòng Nhì Sài Gòn. Sau đó, chúng tôi bị điệu ra xe camnhông và khoảng 15 phút sau, bốn người chia tay nhau vào nằm trong bốn xà lim của bót Catinat.
Kỳ 1: Tháng ngày trôi dạt
Kỳ 2: Bước vào lò luyện thép
Hà Nội, 1970
Trong lò sát sanh
Ông trời ở Catinat vuông vức, vì tù nhân ngó lên trên, chỉ thấy một khoảng mây xanh vuông. Trời càng trưa, trong khám càng nóng dữ dội. Hơi nóng từ sân ximăng bốc lên hừng hực, 400 con người nép sát vào tường, tìm một miếng bóng mát mỏng manh, ba culoa đen nghẹt. Từ trong hai phòng công cộng 7 và 12, hơi người nồng gắt dội ra. Người ta nằm sấp như cá mòi trong đó, mồ hôi tuôn ra như tắm.
Trời nắng cũng khổ mà trời mưa càng khổ hơn nữa. Sân khám không có nóc, mỗi lần mưa là tù ướt như chuột. Nhất là ban đêm, khi mưa xuống ai cũng ngồi chụm đầu vào nhau mà chịu trận.
Những người khỏe mạnh thì gắng chịu đựng. Nhiều anh chị em còn đang thời kỳ lấy khẩu cung, mình mẩy thương tích lở lói, phải sống vất vả như vậy nên không hôm nào là không có người chết. Thực dân Pháp đã biến bót Catinat thành một lò sát sanh, nơi mà mạng sống con người bị coi như cỏ rác.
Tên Bazin và hệ thống lính kín của y đã giết chết, gây thương tật cho hàng vạn người VN yêu nước. Chừng đó người mà mỗi bữa ăn chỉ có hai cần xé cơm, nửa cần xé rau muống (hay củ cải) và một thùng cá kho hoặc khô mục. Cái thùng đựng xăng sét gỉ, tanh lợm.
Bốn người tù chỉ lãnh được vài nắm cơm. Chẳng có cái gì đựng cơm, họ phải bọc trong khăn tay, trong quần, trong áo, thậm chí phải để dưới nền ximăng đẫm nước. Có nhiều khi để cho mau lẹ, chúa ngục vãi tưới cơm cho tù, mạnh ai nấy hứng như hứng nước mưa. Còn nước cá thì tù thò tay múc nước chan vào cơm vì chẳng có muỗng, gáo chi cả.
Bữa ăn nào cũng kèm theo dùi cui của lũ chúa ngục.
Viết đoạn hồi ký này, tôi tưởng không nên bỏ sót viên chúa ngục Thomas Bocal, người Việt vô dân Tây, sùng đạo Thiên chúa. Khác với bọn chúa ngục khác, Thomas đối xử tử tế với tù. Thomas là người duy nhất gọi tù bằng “anh”, trước cuộc “cách mạng” trong khám. Suốt thời gian ở Catinat, tôi chưa thấy Thomas đánh một người tù nào. Đó là chưa nói ông sốt sắng mang thư từ, tiền bạc, bánh trái của người nhà vào cho tù. Ban đêm lúc mấy chúa ngục khác ngủ, Thomas đi ra căngtin mua thuốc, bánh giùm tù. Tất nhiên, làm những việc đó, Thomas kiếm được một số tiền khá, dù vậy y cũng là người không đến nỗi quá tệ.
Đêm nay, tôi dựa lưng vào tường khám sơn một màu hắc ín đen thui như màu tang.
Tiếng chuông nhà thờ Đức Bà khoan thai báo 10 giờ đêm. Không biết anh bạn tù nào cất giọng ngâm bài thơ của Hồ Hải, tôi còn nhớ, lẩm bẩm:
Catinat, Catinat
Dã man, bỉ ổi, xót xa não nùng
Hỡi ai dạ sắt lòng trung
Đứng lên! Uất hận thấm dòng máu tươi
Ngoài kia dưới ánh mặt trời
Ngoài kia thành phố của người văn minh
Cách nhau một bức tường thành
Mà đây vẽ lấy vạn hình đau thương
Catinat, một khám đường.
Mà sừng sững trước giáo đường Giêsu!
Thường vào giữa đêm, tù đang ngủ, bỗng nhốn nháo thức dậy. Trên bàn giấy của chúa ngục, bọn lính đang dò số, kêu tên. Mỗi lần chừng bốn người. Và, bốn người này có đi mà không có trở lại. Họ từ từ bước ra khỏi khám, vẫy tay chào vĩnh biệt các bạn. Họ đi chết.
Hôm sau, báo sẽ đăng vắn tắt: “Ở cầu An Lạc (hay cầu Bình Lợi, hay cầu Tham Lương…) có bốn xác chết. Nhà chức trách đang mở cuộc điều tra”.
Nhiều trường hợp như vậy quá, báo không đăng xuể.
Người ta khảo, người ta chửi, người ta hành hạ, người ta dụ. Hầu hết tù chính trị Catinat cười lạt. Tôi cảm động và cảm phục vô cùng. Dưới ánh đèn sáng rực, ông đốc phủ dựa lưng vào ông bán trà Huế, ông xích lô gác chân lên bụng ông Cò mi.
Người tù con ông đốc phủ
Giới trí thức, giới tôn giáo và giới kháng chiến không ai không biết anh Nguyễn Ngọc Nhựt, con của đốc phủ Nguyễn Ngọc Tương, giáo chủ phái Cao Đài Chỉnh đạo Bến Tre. Nhựt là một kỹ sư cầu cống, nhiều năm du học ở Pháp, có vợ đầm.
Năm 1947, anh cùng các anh tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, kỹ sư Lê Tâm về nước và ra Đồng Tháp Mười kháng chiến. Anh được ông Tương ủy nhiệm thay mặt phái Cao Đài Chỉnh đạo trong Mặt trận Việt Minh và là ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ. Anh ruột của anh, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, từng là phó khu trưởng Khu 9, bị Pháp bắt và trục xuất sang Paris.
Anh Nhựt rất hoạt động, vui vẻ và được mọi người yêu mến. Thế, tại sao anh lại bị bắt?
Tối đến, tôi kéo anh vào góc culoa để tâm sự, bấy giờ tôi mới biết trường hợp bị bắt của anh.
Ngày 1-6, anh đi dự đám cưới của một người bạn, kỹ sư Phạm Ngọc Thảo tại chợ Cái Bèo trong Đồng Tháp Mười. Sáng hôm sau, Tây nhảy dù và anh chậm chân, phải trốn dưới một đám lục bình. Tây lục soát kỹ, anh bị bắt cùng với một số người nữa.
Tây chở anh lên căn cứ không quân Búng, đưa về Phòng Nhì và hôm nay, đưa về bót Catinat. Tây hoàn toàn không biết gì về tông tích của anh. Anh khai tên là Nguyễn Văn Quyện, giáo viên làng Mỹ Quý. Vì vậy, Tây lơ lửng đối với anh. Anh bàn với tôi, anh sẽ đóng vai tuồng này để Tây sớm cho đi căng (trại tập trung). Tại căng, anh hi vọng trốn thoát, trở về tiếp tục kháng chiến.
Tôi xin dành mấy dòng để nói thêm về anh Nguyễn Ngọc Nhựt. Anh rất khỏe, người vạm vỡ, giỏi võ Anh, judo, giỏi cả võ ta. Tính anh hơi nóng. Lúc nào anh cũng đeo kính đen – có lẽ vì thần kinh anh không được tốt. Lúc đóng vai Quyện, thầy giáo làng, anh Nhựt hay xông xáo can thiệp nhiều vụ ở Catinat và thường hễ đụng độ với anh thì đối thủ – tất cả là thường phạm – đều bị anh nhanh chóng cho “đo ván”. Lên khám Thủ Đức, địch mua chuộc anh không được nên tổ chức khiêu khích, lăng mạ kháng chiến, anh đánh chúng, chúng đông hơn, vũ trang gậy gộc nên cuối cùng anh bị đánh chết.
Theo tôi, Nguyễn Ngọc Nhựt là một anh hùng, một tấm gương tiêu biểu lớn mà tất cả thế hệ phải nhớ, phải biết ơn.
Bệnh quai bị… đã hết
Đầu tháng 7. Một số anh em trao đổi với nhau về cách thoát.
Đột nhiên, một số tù mang bệnh ngặt. Anh Kiểm ho ra máu. Anh Tỏ phù thủng. Anh Thạnh ghẻ hòm. Tôi quai bị. Ho ra máu: ăn củ hành tàu với số lượng cao – ba bốn củ – và uống kèm sữa đặc. Phù thủng: bó bã đậu vào chân. Ghẻ hòm: bôi nước tím (pécmăngganát) đông đặc vào vài chỗ da non, chịu đau, thịt sẽ lở loét. Quai bị – loại bệnh mà Tây y cho là truyền nhiễm, phải cách ly 26 ngày: ngậm nước, phùng bên má, xát xà phòng lên, vỗ mạnh trong vài ngày, cổ sẽ ửng đỏ, sưng lên.
Lần lượt, chúng tôi được chuyển vào Bệnh viện Chợ Quán, nơi dành trị cho tù. Khu dành cho tù giống hệt khám, cũng song sắt, cũng lính tuần tra nghiêm ngặt.
Trước khi vào bệnh viện, qua Thomas Bocal, tôi nhắn tin ra ngoài cho một người tốt – đốc học Trần Thanh Phát, ông được tự do sau một thời gian bị giữ ở Catinat. Một số anh em khác cũng biết tin tôi, như anh Mai Văn Bộ.
Vào bệnh viện được vài hôm, tôi nhận được áo quần, thuốc men, thức ăn. Cứ một tuần hai lần, bên ngoài tiếp tế cho tôi – ai tiếp tế thì tôi không biết cụ thể, song chắc chắn đặc khu ủy bố trí.
Một hôm, trong ổ bánh mì tiếp tế có một cưa sắt. Thế là bên ngoài gợi ý cho tôi vượt ngục.
Tôi trao đổi với số ở chung và phác ra kế hoạch. Phải cưa đứt một song sắt và chỉ cần một song sắt đứt, kéo nó quẹo sang bên, chúng tôi có thể thoát. Điều phức tạp là lính canh đi lại dọc hành lang suốt đêm. Hành lang dài, chúng đi một vòng mất chừng hai hoặc ba phút.
Tôi bày mẹo xin phép đánh bài giải trí. Bốn người đánh cáctê ở phòng đầu. Cưa song sắt ở phòng cuối. Hễ người đánh bài hô: ách hoặc già, tức lính quay lại, phải ngừng cưa, thổi bột sắt và nằm yên trên giường. Cứ thế, chúng tôi thay nhau, từ bảy giờ đến mười giờ đêm là giờ tù bắt buộc phải ngủ. Từng chút một, song sắt bị cưa, đã sắp đứt tiện.
Chúng tôi quyết định sẽ vượt ngục đêm 19-9.
Coi như chắc ăn trăm phần trăm.
Bốn giờ chiều, bỗng có xe ở Catinat tới. Chúng tôi ngó nhau: lộ rồi chăng?
Nhưng, lệnh áp giải mỗi tôi về Catinat, lý do bệnh quai bị đã hết. Tôi nài nỉ, song tên cò lắc đầu. Bác sĩ cũng xác nhận tôi đã có thể ra khỏi bệnh viện.
Thật tức tối! Leo lên xe mà đầu óc tôi căng thẳng, muốn khóc lên.
Lát sau, tôi về đến Catinat. Số tù quen hỏi han, tôi trả lời lấy lệ, tìm chỗ ngồi. Chiều đó, tôi bỏ cơm.
Trần Bạch Đằng
500 con người sống chung đụng mà tuyệt đối không ai nói chuyện riêng với nhau. Hễ ai bị bọn gián điệp mách là “hội nghị” thì nếu không bị chết cũng bị ngủ xà lim cả tháng.
Qua mười cửa ngục, dù sao tôi vẫn còn sống. Tôi không nhớ bao nhiêu người cùng ở tù với tôi và mãi mãi không về…
Kỳ tới: 200 ngày đêm mất tự do