Hồi ức một quận chúa – Kỳ 1: Mối tình đầu của vua Duy Tân

0
981
Quận chúa Hồ Thị Chỉ - Ảnh: do gia đình Hồ Đắc cung cấp

Sau khi qua đời, sư bà Diệu Không (1905-1997) đã để lại cuốn hồi ký kể lại cuộc đời của mình từ khi còn là quận chúa Hồ Thị Hạnh sống trong gia đình đại thần Hồ Đắc Trung cho đến lúc xuất gia theo đạo Phật. Vừa qua, hồi ký này đã được xuất bản với tiêu đề Đường thiền sen nở do hai tác giả Lê Ngân, Hồ Đắc Hoài biên soạn (NXB Lao Động – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành). Báo Thanh Niên xin giới thiệu một số nội dung của tác phẩm.

Khoảng năm 1913, vua Duy Tân lên tuổi 13, ở ngôi đã được 7 năm. Để hướng nhà vua thiếu niên vào những trò du hí, xao nhãng tâm trí, không có thời gian suy nghĩ về con đường cứu nước như vua cha Thành Thái, người Pháp cho xây dựng một ngôi nhà “Thừa lương” ở Cửa Tùng (Quảng Trị) để nhà vua ra đó nghỉ ngơi, tắm biển mùa hè. Cũng trong những năm này, quan đại thần Hồ Đắc Trung, Tổng đốc Nam – Ngãi (Quảng Nam – Quảng Ngãi) được điều về Kinh nhận chức Thượng thư Bộ Học (thay Thượng thư Cao Xuân Dục nghỉ hưu). Để nhà vua trẻ có bạn cùng lứa tuổi nô đùa những dịp ra Cửa Tùng, quan Thượng thư Hồ Đắc Trung khi hầu vua thường mang theo 4 người con (2 trai, 2 gái) là 2 công tử Hồ Đắc Điềm (sinh năm 1899), Hồ Đắc Di (1900), và 2 tiểu thư Hồ Thị Chỉ (1902), Hồ Thị Hạnh (1905). Hồ Thị Chỉ (kém vua 2 tuổi) lúc bấy giờ đã là một thiếu nữ đẹp người, đẹp nết, giỏi chữ Hán lại thông thạo tiếng Pháp, rất được vua Duy Tân để ý. Hai bên đã nảy sinh tình ý với nhau nhưng vẫn rất kín đáo, không vượt qua khuôn phép vua tôi.

Sư bà Diệu Không (tức Hồ Thị Hạnh) nhớ lại: “Chúng tôi nhận thấy những khi Ngài ngự du xuân, ngồi trên kiệu vàng thì rất uy nghi, nghiêm chỉnh, mà sao khi ra chơi Ngài lại rất bình dân, vui đùa hồn nhiên, vô sự… Mỗi hôm từ Cửa Tùng trở về Huế, lần nào chia tay cũng thật bịn rịn. Các anh tôi (Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di) đến chào Ngài thật sớm và đưa ra tận xe, còn 2 chị em tôi đứng ở xa, chỉ vái chào Ngài. Ngài đưa tay chào lại, còn ngoái đầu chào lại. Tình vua tôi thân mật lạ lùng!” (1).

Đầu năm 1915 có chiếu của hai bà hoàng thái hậu (2) đòi Hồ Thị Chỉ vào hầu và ban tặng đôi vòng vàng. Kế đó có người trong Đại nội ra dạy cho Hồ Thị Chỉ những nghi lễ cung đình và bảo với gia đình Thượng thư Hồ Đắc Trung là sẽ xem ngày lành tháng tốt để làm lễ “nạp phi” cho tiểu thư Hồ Thị Chỉ. Lúc bấy giờ cả nhà Thượng thư Hồ Đắc Trung đều tin rằng mối nhân duyên của Hồ Thị Chỉ và vua Duy Tân đã là điều chắc chắn. Bỗng một điều bất ngờ xảy ra vào cuối năm đó làm đảo lộn mọi việc đã được tính toán trước. Vua Duy Tân cho mời đại thần Hồ Đắc Trung vào triều để nói lời từ hôn đối với Hồ Thị Chỉ mà không nêu rõ nguyên nhân. Nhà vua còn yêu cầu đại thần Hồ Đắc Trung giới thiệu người khác để đưa vào ngày cưới đã định. Với sự giới thiệu của đại thần Hồ Đắc Trung, vào đầu năm 1916, cô Mai Thị Vàng, con gái ông Mai Khắc Đôn, đã được “nạp phi” đúng vào ngày cưới đã được định trước giữa nhà vua và Hồ Thị Chỉ.

Điều gì khiến nhà vua trẻ “thay lòng đổi dạ” làm tan nát trái tim người mà nhà vua từng yêu dấu, còn gây tiếng thị phi cho gia đình đại thần Hồ Đắc Trung? Cuốn hồi ký của sư bà Diệu Không đã giúp người đời sau hiểu rõ sự thật về sự kiện thuộc loại “thâm cung bí sử” này.

Năm 1915, khi tình cảm giữa vua Duy Tân và Hồ Thị Chỉ đã chín muồi và được hai bà hoàng thái hậu thừa nhận thì cũng là lúc nhà vua bắt liên lạc với Hội Quang Phục của hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, và ngài đã quyết tâm dấn thân vào công cuộc cứu dân, cứu nước. Biết trước đây là công việc nguy hiểm, nhà vua không muốn để cho gia đình đại thần Hồ Đắc Trung với những người con còn nhỏ phải chịu liên lụy (cụ Hồ Đắc Trung lúc này đã có 10 người con cả trai lẫn gái, phần lớn đang tuổi ăn học), mặt khác nhà vua cũng không muốn trì hoãn việc “nạp phi” vì sợ người Pháp nghi ngờ. Vài tháng sau ngày cưới, vào đêm 3 rạng ngày 4.5.1916, vua Duy Tân bí mật rời hoàng cung tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang do lãnh đạo Hội Quang Phục vạch kế hoạch. Cuộc khởi nghĩa thất bại vì bị nội phản, nhà vua bị bắt vài ngày sau đó. Cho đến tận lúc này, ông Hồ Đắc Trung mới vỡ lẽ lý do nhà vua từ hôn với Hồ Thị Chỉ là nhằm tránh sự liên can chết người cho nàng và cho cả gia đình mình.

Lại thêm một sự cố xảy ra đối với cô Hồ Thị Chỉ không lâu sau đó. Sau “cái dớp” của Hàm Nghi rồi Thành Thái, Duy Tân, người Pháp đã rút ra bài học và chọn được một ông vua bù nhìn là Khải Định. Một thời gian ngắn sau khi lên ngôi, một hôm Khải Định cho mời Hồ Đắc Trung đến và ngỏ ý muốn cưới Hồ Thị Chỉ làm vợ kiêm phiên dịch khi làm việc riêng với người Pháp mà không tiện có mặt thông ngôn. Đối với ông Hồ Đắc Trung, đây là một tin sét đánh vì ông biết con gái ông rất nặng tình với cựu hoàng Duy Tân, không dễ gì chấp nhận làm vợ Khải Định! Đúng như thế, khi nghe cha nói lại ý định của Khải Định, cô Hồ Thị Chỉ đã vừa khóc vừa thưa với cha: “Con xin nguyện ở với cha mẹ trọn đời không lấy ai nữa hết!”. Nói xong cô về phòng riêng thổn thức.

Cả nhà lúc đó có ông bà Hồ Đắc Trung, người anh cả Hồ Đắc Khải, em gái Hồ Thị Hạnh đã họp bàn tìm cách thuyết phục Hồ Thị Chỉ vì họ thừa biết tuy Khải Định mới ngỏ ý nhưng đây đã là “khẩu dụ” của nhà vua, nếu không nghe theo thì cả nhà không tránh khỏi tội “khi quân”,”kháng chỉ”, tai họa khôn lường. Họ đã nghĩ đến chuyện hai cha con Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Khải xin từ quan về làm ruộng. Liền mấy ngày đêm cả nhà ra sức khuyên giải Hồ Thị Chỉ. Cô em Hồ Thị Hạnh đêm nằm bên chị rỉ rả thuyết phục: “Thầy và anh Khải đều là văn nhơn, nay về làm ruộng sao được. Huống nữa còn 4 anh em đang học ở Hà Nội vậy ai là người nuôi các anh nên tương lai? Nếu chị mà không biết hy sinh thì chị còn thua nàng Kiều đã bán mình chuộc cha. Còn Ngài (Duy Tân) đã vị quốc gia, vậy sao chị không vị gia đình như Ngài đã hy sinh vì nước?”. Lắng nghe tôi nói, chị nằm im lặng không trả lời. Sáng hôm sau, đôi mắt còn sưng húp, nét mặt buồn phiền chị sang phòng Cụ tôi và thưa: con xin nghe lời Thầy và anh! Cụ tôi mừng quá ứa nước mắt nói: Thầy biết ơn con vì hiếu quên tình, như vậy là cả nhà anh em đều có phước nhờ con đó” (3).

Đó là sự thật về sự kiện con gái ông Hồ Đắc Trung 2 lần “nạp phi”. Sau khi nữ quận chúa Hồ Thị Chỉ trở thành bà Ân phi không bao lâu thì Khải Định qua đời. Phần đời còn lại, bà sống trong trạng thái trầm uất nặng. Bà qua đời năm 1982, mãn nguyện vì đã được gặp các anh (các ông Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di) theo kháng chiến trở về sau ngày toàn thắng.

(Còn tiếp)

Trúc Diệp Thanh
Nguồn: Thanh Niên, 6/2009

(1): Những đoạn in chữ nghiêng trong bài là trích tác phẩm Đường thiền sen nở.
(2): Bà mẹ đích của vua Duy Tân – con gái đại thần Nguyễn Thân và bà mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Định (còn gọi là bà Sanh).
(3): Lúc này (1916) ông Hồ Đắc Trung còn có 4 con trai đang học ở Hà Nội là Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Ân, Hồ Đắc Liên.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.