Chuyện thẻ bài lính Mỹ – Bài 1:Dự án thẻ bài của JPAC

0
1615

Năm 2001, Bộ chỉ huy hỗn hợp tìm kiếm tù binh và quân nhân mất tích của Mỹ (JPAC) đã lập ra Dự án thẻ bài.

* Chuyện thẻ bài lính Mỹ – Bài 2: Thẻ bài thật hay giả?

Ước mong của JPAC là mang thẻ bài thất lạc tại Việt Nam trở về đoàn tụ với chủ cũ nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau chiến tranh trong lòng các cựu binh Mỹ.

Thẻ bài của Robert S. Adamec đã được trả lại ngày 12-4-2004. Thông tin được chính chủ cũ xác nhận.

Thẻ bài của Douglas K. Viland đã được trả lại ngày 11-1-2002. Thông tin do em gái xác nhận.

Thẻ bài của Ward S. Williams đã được trả lại ngày 25-4-2005. Thông tin do con gái xác nhận…

Thẻ bài còn lại sau chiến tranh

Những dòng chữ nêu trên đăng trên trang web của Bộ chỉ huy hỗn hợp tìm kiếm tù binh và quân nhân mất tích của Mỹ (JPAC) trong khuôn khổ Dự án thẻ bài ra đời từ năm 2001. Mục đích thành lập dự án nhằm tìm kiếm, thu thập thẻ bài của binh lính Mỹ thất lạc ở Việt Nam mang về Mỹ trao lại cho các cựu binh còn sống hoặc thân nhân binh lính Mỹ chết tại Việt Nam.

Nhóm thực hiện dự án gồm bốn người: Tiến sĩ nhân chủng học pháp y Robert W. Mann, hai chuyên gia ngôn ngữ Robert C. Maves và Ron Ward (trực tiếp tìm kiếm thẻ bài tại Việt Nam), Tiến sĩ Niels J. Zussblatt (làm việc ở Trung tâm lưu trữ hồ sơ cá nhân quốc gia ở Mỹ).

Trong chiến tranh Việt Nam, thẻ bài được phát cho binh lính Mỹ hoặc nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ làm việc ở Đông Nam Á. Trên thẻ bài có khắc các thông tin như họ tên, đơn vị, số an sinh xã hội, nhóm máu, tôn giáo, cỡ mặt nạ ngừa hơi độc… của người mang thẻ. Mỗi binh lính Mỹ có hai thẻ bài, một đeo trên cổ và một đeo dưới giày. Căn cứ nơi truy tìm được thẻ bài thất lạc, các nhân viên Dự án thẻ bài còn có thể truy ra tung tích về số phận binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Nhân viên JPAC dùng máy dò kim loại tìm kiếm binh lính Mỹ mất tích tại Việt Nam ngày 8/12/009. Ảnh: BRINGING JERRY HOME

Bên cạnh Dự án thẻ bài của JPAC cũng có khá nhiều cựu chiến binh Mỹ còn ám ảnh với cuộc chiến Việt Nam hoặc du khách Mỹ, nhà doanh nghiệp Mỹ. Họ đã sang Việt Nam thu thập một số lượng lớn thẻ bài lính Mỹ mang về nước và lập trang web mời chủ cũ của thẻ bài đến nhận lại. Có thể kể tên một số trang như Cana Mission, Vietnamdogtags.com, FoundDogTags.com, topvietnamveterans.org.

Nỗi niềm sau chiếc thẻ bài

Đa số thẻ bài lính Mỹ bị chôn vùi dưới đất và được nhóm thực hiện Dự án thẻ bài tìm thấy qua khảo sát và đào xới tại các địa điểm chiến trường trước đây có binh lính Mỹ thương vong căn cứ theo hồ sơ của Chương trình tìm kiếm tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (chương trình POW/MIA). Cũng có khi người dân Việt Nam nhặt được thẻ bài trong lúc nhặt nhạnh phế liệu quân sự, đào móng xây nhà hoặc vỡ đất trồng trọt.

Người dân thường bán lại thẻ bài cho những người đi thu mua ve chai dạo. Người mua bán ve chai tiếp tục bán lại thẻ bài cho các cửa hàng bán đồ lưu niệm chiến tranh. Chủ cửa hàng trưng bày thẻ bài bên cạnh hộp quẹt Zippo, thước đo góc, mắt kính, bộ phận máy bay, dây nịt, khóa thắt lưng, đồng phục lính Mỹ, bốt đi rừng, bi đông đựng nước và cho khách tự do chọn lựa.

Nhóm thực hiện Dự án thẻ bài tìm thấy không ít thẻ bài lính Mỹ trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm chiến tranh ở khắp đất nước Việt Nam. Họ mua lại, sau đó chuyển thông tin trên thẻ bài cho Tiến sĩ Niels J. Zussblatt ở Mỹ để truy tìm hồ sơ cá nhân và đối chiếu. Sau khi đối chiếu thông tin, JPAC đưa thông tin lên trang web và mời chủ thẻ bài đến nhận lại thẻ.

Trong quá trình trao trả thẻ bài cho chủ cũ, JPAC đã thu thập được nhiều câu chuyện thú vị về bối cảnh thẻ bài thất lạc do chính chủ thẻ bài kể lại. Một số thẻ bài bị lạc mất trong bệnh viện khi chủ thẻ bài điều trị vết thương. Một số khác bị thất lạc trong trận đánh hay trong lúc binh lính Mỹ vội vàng rời khỏi Việt Nam vào những ngày cuối cuộc chiến.

Thẻ bài binh lính Sài Gòn và binh lính Mỹ bày bán trên đường Trần Quang Khải (TP.HCM). Ảnh: HỒNG CẨM

Cựu binh Larry Tuner may mắn thoát chết trong một trận đánh ở miền Nam Việt Nam năm 1969 nhưng bị mất thẻ bài đeo trên cổ. 33 năm sau đó, vào một ngày Chủ nhật, chiếc thẻ bài đã được đoàn tụ với ông nhờ công của tổ chức Found DogTags. Ông đã nghẹn ngào rơi nước mắt khi cầm lại thẻ bài ngày cũ.

Trái ngược với cựu binh Larry Tuner, một số ít người đã không có can đảm nhận lại chiếc thẻ bài từng vào sinh ra tử với họ, bởi thẻ bài chính là chứng nhân lịch sử nhắc họ phải nhớ lại một thời chiến tranh máu lửa đã làm thay đổi cuộc sống của họ và rất nhiều người thân thuộc.

Suy nghĩ từ một cửa hàng ở Đà Nẵng

Theo Tiến sĩ Robert W. Mann, khởi đầu nhóm thực hiện Dự án thẻ bài của JPAC đến Đà Nẵng lưu trú trong một khách sạn trên đường Bạch Đằng. Một cửa hàng bán đồ lưu niệm chiến tranh bên cạnh khách sạn đã hớp hồn họ. Chủ cửa hàng cho biết nguồn hàng chủ yếu đến từ các địa phương Củ Chi, Nha Trang, Biên Hòa, Đà Nẵng, Huế, Khe Sanh, Mỹ Tho, Tây Ninh, Bến Tre, Cần Thơ.

Tiến sĩ Robert W. Mann rất bất ngờ vì ông đã từng nghe nói hầu hết thẻ bài lính Mỹ bày bán tại Việt Nam là thẻ bài giả do các cơ sở sản xuất thủ công làm và bán cho du khách. Thế nhưng theo những gì ông nhìn thấy, hầu hết thẻ bài bán ở cửa hàng bên cạnh khách sạn và trên đường phố Đà Nẵng đều trông rất thật. Thẻ bài có cùng kích cỡ, cùng trọng lượng, cùng dáng vẻ, cùng chất liệu kim loại, đặc biệt là hầu hết thẻ bài đều mang dấu vết han gỉ, bẩn thỉu, cong vẹo, trầy xước, nứt gãy.

Tuy nhiên, ngay lúc đó, ông vẫn tin rằng một số người Việt Nam đã cố tình dùng kim loại ở địa phương làm cho thẻ bài trông như thật và khắc trên thẻ bài thông tin không xác thực để bán cho du khách. Thế rồi qua nhiều năm đeo đuổi tìm kiếm, ông nhận ra nếu căn cứ vào tính xác thực 100% của thông tin in trên thẻ bài để đánh giá thẻ bài là thật hay giả thì sẽ không chính xác. Một thẻ bài dập sai lỗi chính tả tên hoặc sai vài chi tiết về nhóm máu, tôn giáo chưa hẳn đã là thẻ giả.

Vợ chồng nhà doanh nghiệp Verlyn R. Roskam (thân sinh của nghị sĩ Peter Roskam) sang Việt Nam vào tháng 9-2001 và đã mua được 37 thẻ bài lính Mỹ tại TP.HCM với giá tổng cộng 20 USD. Tất cả thẻ bài đều là thật. Mang thẻ bài về Mỹ, hai ông bà nhận ra chặng đường tìm kiếm để trả lại thẻ bài cho chủ cũ không hề đơn giản vì thông tin trên thẻ bài khá mơ hồ. Họ đã nhờ con trai trợ giúp.

Nghị sĩ Peter Roskam đã liên lạc với Trung tâm lưu trữ hồ sơ cá nhân quốc gia Mỹ để cung cấp thông tin trên các thẻ bài và nhờ hỗ trợ. Gia đình ông cũng thuê một người đi thẩm tra địa chỉ của các binh lính có tên trên thẻ bài. Sau bảy năm đằng đẵng với hàng trăm cuộc gọi, di chuyển hàng ngàn dặm đường, đến tháng 10- 2008, hai vợ chồng Verlyn R. Roskam đã trao trả hết 37 thẻ bài đã mua cho chủ cũ. Họ đích thân đi trả từng thẻ bài cho từng người. (Theo Knox.edu)

Thiên Ân (Theo Historynet, encyclopedia, Jpac.pacom.mil)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.