Chiều nay, chạy xe ngang đường Nguyễn Văn Cừ và bị “dính” kẹt xe, tôi mới có dịp nhìn kĩ con đường đầy thơ mộng này. Và tôi lại nhớ về “con đường tình” của tôi. Dĩ nhiên, nhiều người biết sẽ nói rằng “tình yêu” của tôi chẳng có cái tiêu chuẩn nào để đem so sánh với những con đường to và đẹp nhất đất Sài Gòn này, như Nguyễn Văn Cừ hay Mạc Đĩnh Chi. Tình yêu của tôi chỉ rộng có ba bốn mét, dài có hơn 100 mét, lại ở tỉnh lẻ nữa, lấy gì để mà so sánh? Nhưng tôi sẽ nói rằng có đấy. Đơn giản vì đó là con đường đã in bước chân tôi mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều tôi đi học suốt bốn năm cấp hai. Trong kí ức của một đứa trẻ là tôi thì đó chính là con đường tuyệt vời nhất trong cái thị xã nhỏ bé tôi đang sống và những thành phố tôi đã đi qua.
(Con đường tình của tôi – Ảnh do tác giả cung cấp)
Hàng cây me tây cổ thụ một bên đường – theo lời bà ngoại tôi – “đã già như vậy từ khi bà ngoại còn có thể nhớ được”. Vỏ cây xù xì, thân to đến mức hai đứa trẻ như tôi cũng không thể vòng tay mà ôm kín được. Cũng may, cây me tây chỉ có bóng mát chứ không thể dùng làm gì nên mấy “ông cụ” mới thoát khỏi sự phá phách của lũ học trò chúng tôi. Trái me tây mỗi ngày lại rụng đầy đường, bị người qua kẻ lại dẫm bẹp trên hè phố. Ngày nào đi học tôi cũng so thử xem ngày hôm nay có nhiều trái me rụng như hôm qua hay không.
“Con đường tình” tôi nhớ không có nhà dân nào cả, chỉ có một công viên bé bé không hàng rào phía trước bệnh viện tỉnh, phía bên kia là một khách sạn cũng nhỏ nhỏ của tỉnh. Đoạn còn lại là trường tôi và mấy cơ quan nhà nước. Công viên là điểm hẹn hò không chỉ của những cặp yêu nhau mà còn của cả lũ học trò chúng tôi nữa. Trên đường về, đôi khi tôi và mấy đứa bạn thường ghé lại công viên ngồi ở ghế đá dưới bóng mấy cây cóc rừng có trái vàng vàng, tuổi chắc cũng xấp xỉ mấy “cụ” me tây hàng xóm. Có khi chỉ là ngồi nhìn người qua lại, người đi đám cưới thong thả, vui vẻ vào khách sạn, và người hối hả, bận rộn ra vào bệnh viện. Hàng ngày tôi lại đếm từng bước chân của mình mà chẳng khi nào nhớ nổi bao nhiêu, lòng thầm cảm thấy sung sướng vì được ngắm mãi người tình nhỏ bé của mình.
Con đường của tôi tên gì, chắc nhiều người địa phương cũng không nhớ nổi. Có người gọi là đường công viên, có người gọi là đường me tây. Không như Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay Mạc Đĩnh Chi, con đường tình của tôi mang dáng vẻ trầm lặng và khiêm tốn, đặc trưng của một phố thị nhỏ bé. Tôi nhớ lắm cảm xúc của mình khi lần đầu xa nhà trở về nhìn thấy “tình yêu” của tôi vẫn lặng lẽ nơi ấy. Chờ tôi chăng?
Tết này về quê, tôi buồn vì người tình của tôi đang chết dần. Hàng cây me tây đã bị bê tông đốn gục. Người ta mở rộng đường để giờ tan học lũ học trò không còn chen chúc làm kẹt xe nữa. Đường thì rộng thật đấy, nhưng đâu rồi “tình yêu” của tôi? “Những hẹn hò từ nay khép lại”. Chỉ còn con đường trong tim tôi là sống mãi.
Thế rồi cuộc đời là
những cuộc tình chia xa
Đi lạc vào những phía không đường về
những cuộc tình chia xa
Đi lạc vào những phía không đường về
Đứng ở ngoài đầu rừng,
đứng ở đầu con sông
Nhớ về con đường cũ
mênh mông,
mênh mông
Hỡi người tình học trò
hỡi người tình năm xưa
Bóng người từng in dấu
trên đường mờ
Có thuộc vạn nẻo đường,
có ngại ngùng nên quên
Nhớ hoài con đường cũ không tên.
(Con đường tình ta đi – Phạm Duy)
Ca Dao