Một dịp tình cờ, tôi được bạn thân giới thiệu để tìm hiểu về nơi tu học thuộc Phật giáo Khất sĩ ở nội ô thành phố Trà Vinh, đó là một ngôi tịnh xá trầm mặc và đơn sơ giữa lòng phố thị. Chuyến đi này đã mang lại cho tôi nhiều cảm nhận thú vị về Phật giáo, dù tôi vốn từng mới mẻ với đạo này.
Các giới luật và quy định của tịnh xá được hành trì nghiêm ngặt tùy theo vị trí và bổn phận của mỗi người trong tịnh xá. Người tu theo phái Khất sĩ có những quy định dung hợp từ cả Bắc tông lẫn Nam tông như không được ăn sau 12 giờ (độ thực quá Ngọ), ăn chay (trường trai), đi khất thực đối với bậc Tỳ Khưu,… Tại tịnh xá mà tôi tìm hiểu, pháp tu được các nhà sư dùng để khuyến khích Phật tử tu tập là thiền định và tịnh độ (niệm lục tự A-di-đà), trong đó thiền định có vẻ được họ khuyến khích nhiều hơn.
Tôi bắt đầu cuộc tìm hiểu của mình bằng việc làm quen và học cách nhìn nhận của Phật giáo Khất sĩ về thế giới tự nhiên, về xã hội con người. Ở đó, người ta lý giải về sự hình thành của vũ trụ, của xã hội loài người và của từng con người. Dĩ nhiên, ban đầu tôi cố giữ mình trung lập với thế giới quan đó, vì tôi đã có sẵn rất nhiều cách nhìn nhận thế giới cho riêng mình. Điều đó không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc học hỏi của tôi.
Bài học vỡ lòng mà tôi được dạy là cách nhìn nhận các hiện tượng của cuộc sống. Tôi được dạy rằng, cuộc đời như một dòng sông, và mọi thứ trong cuộc đời như là sóng nước. Chúng ta có thể nhìn thấy muôn hình vạn trạng của sóng. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn nó và nói đó là sóng thì chúng ta nói đúng nhưng chưa đủ. Dù sóng cao hay thấp, dài hay ngắn, dịu êm hay dữ dội thì bản chất của sóng vẫn là nước. Cũng sai lầm tương tự nếu chúng ta cứ khăng khăng đó chỉ là nước mà không hình dung đến cái vẻ bề ngoài của nó, là sóng. Chung quy lại, tôi được dạy rằng, bất cứ điều gì tồn tại đều có hiện tượng bên ngoài và bản chất bên trong. Hiện tượng bên ngoài luôn thay đổi, gọi là “vô thường”; trong khi bản chất bên trong là cố hữu. Vì hiện tượng bên ngoài là “vô thường” nên nó không phải là một điều tồn tại bền bỉ, tức là “vô ngã”. Nếu ta cứ bám víu vào cái hiện tượng, khẳng định hay theo đuổi nó, tất có ngày chúng ta sẽ đau khổ, vì chúng ta đang theo đuổi một điều không cố định, một cái đích luôn thay đổi hay tiềm ẩn sự thay đổi. Còn cái cố hữu bên trong là vĩnh viễn, nó không thay đổi theo thời gian. Và trong vạn vật, kể cả con người, nó là cái Không. Cái Không ở đây là một khái niệm hơn là một hình ảnh trực quan về sự trống rỗng, vì cái Không hiểu theo nghĩa là không có gì, kể cả cái không gian mà trong đó các sự vật tồn tại. Vì không có gì nên cái Không hoàn toàn tĩnh mịch và im lặng. Trên cái Không đó, nhờ vào duyên, các yếu tố lần lượt hết hợp rồi tan để tạo ra vũ trụ, ra loài người, ra tôi và các bạn. Cái Không còn được gọi là Phật tánh, Chơn như và là điều mà người tu theo Phật hướng đến, tìm về cái Không là tìm về nguồn cội, về cõi Niết bàn.
“Tôi được dạy rằng, cuộc đời như một dòng sông, và mọi thứ trong cuộc đời như là sóng nước” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Để hiểu được cái Không, con người cần phải có khả năng nhìn nhận và phân biệt hiện tượng với bản chất. Muốn vậy, con người cần có sự hiểu biết, như lời Phật dạy: mọi đau khổ đều do “vô minh” (không hiểu biết) mà ra. Cách để con người có hiểu biết không gì khác hơn việc kiên trì thực hành nguyên tắc: Giới-Định-Tuệ, tức là giữ giới luật, thiền định, và thông suốt. Đó là bài học thứ hai mà tôi được dạy. Các nhà sư bảo tôi rằng, giới luật là bước đi đầu tiên và khó khăn nhất mà một người tu học phải trải qua. Giới tạo cho người tu một nếp sống tiết độ, phù hợp luân lý. Việc trì giới giúp người tu giữ được tâm khỏi những tham lam, sân hận và si mê, từ đó giúp họ làm chủ được hành vi và tâm niệm của chính mình để có thể thiền định. Tùy vào cấp bậc của người tu mà họ phải tuân giữ một số lượng các giới luật khác nhau. Người quy y phải giữ năm giới (thọ ngũ giới) và càng tu lâu hơn, có cấp bậc cao hơn thì số lượng giới càng nhiều hơn. Ni sư thường phải giữ nhiều giới luật hơn so với các thầy tu có cùng cấp bậc. (Tôi không nhớ con số chính xác, chỉ nhớ rằng tu sĩ từ bậc Tỳ Khưu trở lên phải giữ trên 200 giới luật).
Khi việc trì giới đã trở thành thói quen hằng ngày thì người tu học bắt đầu tập thiền định. Về phần này, tôi được dạy qua một ví dụ, rằng tâm chúng ta như là dòng điện. Khi tâm loạn thì cũng như dòng điện bị phân chia ra nhiều đường dây, và kết quả là mọi thiết bị sử dụng điện đều không thể hoạt động hết công suất. Nhưng khi tâm chỉ tập trung về một thứ, tức chỉ có một đường dây sử dụng điện thì dòng điện tất nhiên sẽ mạnh lên rất nhiều. Khác với suy nghĩ của nhiều người, mục đích của thiền định không phải là đạt đến một cảm giác thảnh thơi, sự trống trải trong đầu óc. Trái lại, người ngồi thiền phải suy nghĩ, tư duy, nhưng chỉ suy nghĩ hay tư duy về một vấn đề mà thôi. Mục đích của thiền là tạo cho người thực hành khả năng điều khiển tâm niệm của chính mình. Người tập thiền phải đạt được trạng thái “nhất niệm”, tức là không để suy nghĩ hay tâm niệm bị phân tán. Hai cách thiền được các nhà sư và Phật tử ở tịnh xá dùng nhiều là thiền quán (dùng tâm để quán xét một sự việc) và thiền chỉ (khắc chế một việc gì đó khởi lên trong tâm). Đối với những người mới tìm hiểu như tôi thì thiền quán là cách thức phù hợp. Tôi được hướng dẫn dùng tâm mình để quán xét nhịp thở của chính mình. Tôi phải dồn hết trí lực để giữ cho suy nghĩ của mình không rời khỏi việc quán sát hơi thở.
Dĩ nhiên, thiền định không phải là công việc dễ dàng trong những ngày đầu tìm hiểu của tôi. Tôi nhanh chóng bị đau chân và mỏi lưng vì phải ngồi thế “liên hoa tọa”. Tôi cũng khó giữ cho mình “nhất niệm” vì trước giờ tôi hay suy nghĩ với nhiều chủ đề liên tục. Và nhất là, tôi không thể thích nghi với lịch ngồi thiền của tịnh xá trong những ngày đầu. Các nhà sư ngồi thiền vào ba thời mỗi ngày, mỗi thời ngồi hai giờ. Thời thứ nhất trong ngày bắt đầu từ bốn giờ đến sáu giờ sáng, trùng với giờ kinh sáng của những tu sĩ chưa bước vào giai đoạn thiền định. Thời thứ hai bắt đầu từ năm giờ chiều đến bảy giờ tối, trùng với giờ kinh chiều ở tịnh xá. Và thời thứ ba bắt đầu từ 11 giờ đêm đến một giờ rạng sáng hôm sau, thời điểm được cho là khí âm chuyển sang dương. Việc thức hai lần trong một đêm ngủ cần rất nhiều ở tinh thần tu tập nghiêm túc của các tu sĩ. Ban đầu, tôi nghĩ rằng việc các tu sĩ ở đây không ăn gì từ buổi trưa sẽ làm họ đói và mất tập trung khi ngồi thiền ban đêm. Nhưng các nhà sư bảo rằng, nếu ăn chiều thì họ khó có thể thức được vào hai thời thiền buổi tối, mà có thức được thì cũng không thể ngồi thiền lâu, vì ăn no rất dễ gây buồn ngủ.
Những người ngồi thiền ở tịnh xá không chỉ có tu sĩ mà còn có Phật tử ở ngoài. Vào năm giờ chiều, khi bắt đầu thời thiền thứ hai, các nữ Phật tử đều phải rời tịnh xá và hai lớp cổng dẫn vào tịnh xá được đóng lại. Các nhà sư và những người ngồi thiền mang đơn (giường cho một người nằm), mùng và một chiếc chăn mỏng ra sân để ngồi thiền và ngủ. Đối với các nhà sư, họ bị cấm ngủ trong nhà dù ngoài sân, trời về đêm rất lạnh vì gió và sương, chỉ trừ lúc bị bệnh là họ được ngồi thiền và ngủ trong cốc của mình.
Kết quả từ thiền định, quán xét sự việc một cách tường tận, đồng thời khắc chế những điều xấu khởi lên từ tâm là Tuệ, là sự hiểu biết thấu đáo về mọi điều cũng như bản chất của nó. Người tu thiền nhờ Tuệ mà cảm thấy an nhiên trong cuộc sống. Bài học thiếp theo mà tôi được dạy là sự khác nhau giữa “hỷ” và “lạc”. Người bám theo những mục đích, mà chỉ là hiện tượng, khi đạt được chúng sẽ vui mừng, đó là hỷ, là cảm xúc nhất thời và qua nhanh. Và khi chưa đủ, khi không đạt được, hay khi dư thừa những thứ đó thì người ta sẽ rơi vào cái vòng tham lam, sân hận và si mê. Hỷ là duyên của tham, sân, si. Còn người tìm về với cội nguồn, nhờ sự thông hiểu mọi điều, không chấp vào điều gì, không vướng bận nên sẽ thấy an nhiên, tự tại. Họ cảm thấy vui mừng một cách nhè nhẹ, đó là lạc, một trạng thái ổn định và lâu dài. Tất nhiên, kết quả này tùy thuộc rất nhiều vào quá trình tu học và căn cơ của từng người, không ai giống ai.
Đấy là những điều tôi tích góp được và nhớ mãi từ chuyến đi đến tịnh xá. Có lẽ tôi sẽ còn quay lại nơi ấy nhiều lần, vì còn nhiều bài học mà tôi cần phải biết cho chính mình. Những bài học mà mỗi lần tôi trải nghiệm, tôi như được làm mới lại để bước vào cuộc sống.
Khánh Hưng