Hội trại yêu thương – Kỳ 3

0
887
Sau phần thi đua trò chơi team-building, ban tổ chức cho chúng tôi trở về trại để chuẩn bị phần nấu ăn. Nhiệm vụ của mỗi nhóm là phải nấu ăn từ những nguyên liệu mà các bạn nữa vừa mua về, trang trí những thức ăn đó cho thật đẹp, và thuyết trình sao cho thật “ăn điểm”. Tôi không phải là một “tay nấu ăn” vì thường ngày ở phòng trọ, tôi không phải nấu ăn mà chỉ phụ nhặt rau, cắt thịt,… tức là làm khâu trước khi nấu. Ở đây cũng vậy, nhưng có điều là dụng cụ, nguyên liệu thiếu rất nhiều vì tiền có hạn nên các bạn cũng hạn chế mua những thứ đó. Thí dụ, các bạn muốn chiên trứng với thịt nhưng ngặt nỗi các bạn lại không mua dầu ăn, thậm chí không hề có bất kì loại gia vị nào. Hay các bạn muốn nấu canh bí đó, nhưng nhóm lại không có dao để cắt bí đó… Làm thế nào đây? Chẳng lẽ chịu bó tay. Thế là các bạn nữ ở “nhà”, trong khi các bạn nam chạy lăng xăng hết chỗ này đến chỗ khác để kiếm những thứ thiếu: dao, dầu ăn, gia vị và cả nồi nấu ăn nữa. Không ngờ các bạn nam lại rất thành công trong việc đi xin xỏ này, tôi nghĩ thầm chắc các bạn ấy dùng nam nhân kế. Cuối cùng, chúng tôi cũng có đầy đủ dụng cụ, nguyên liệu để bắt tay vào việc nấu ăn.
 
Nhiệm vụ của mỗi nhóm là phải nấu ăn từ những nguyên liệu mà các bạn nữa vừa mua về, trang trí những thức ăn đó cho thật đẹp, và thuyết trình sao cho thật “ăn điểm”.” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Không ai bảo ai, mỗi người một tay để phụ nấu: người thì đi tìm củi nhóm bếp, người thì cắt rau, cắt bí đỏ, người thì đập và đánh trứng, người thì nấu… Khổ nhất là khâu nhóm bếp và nấu, vì chúng tôi không quen nấu bếp “dã chiến” thế này, nên khói cứ xộc vào mắt, vào mũi, vào miệng làm cho ai gần cái bếp tự chế đó cũng nước mắt, nước mũi giàn giụa. Cuối cùng, chúng tôi cũng hoàn thành bữa ăn. Đặc biệt, các bạn nam nhóm tôi đảm nhận khâu trang trí, phải công nhận các bạn nam ấy rất đảm đang. Trong nhóm chỉ một mình tôi học trường Khoa học Xã hội và Nhân văn nên các bạn đùn đẩy cho tôi phải nghĩ ý tưởng và thuyết trình. Mới đầu tôi cũng từ chối, nhưng rồi biết mình không thể tránh được nhiệm vụ này nên đành liều.
 
Nhóm chúng tôi chuẩn bị ba món đó là: canh bí đỏ, rau bắp cải xào, và trứng chiên thịt. Cũng may sau ngày diễn ra hội trại là ngày của bố 19/6 nên các bạn góp ý cho tôi nên xoáy vào sự kiện này. Thế là cả nhóm thống nhất chọn chủ đề tình cha-mẹ. Vì thế, món canh bí đỏ nghiễm nhiên trở thành món canh lòng mẹ, món xào thì được gọi là món xào tình cha, và cuối cùng món trứng chiên được gọi là món trứng chiên “ngọc giữa rừng xanh”. Cái tên cuối cùng nghe thật “kêu”, ngọc là trái trứng luộc được bóc vỏ để lên trên đĩa trứng chiên tượng trưng cho người con. Xung quanh đĩa trứng chiên là lá tre mà chúng tôi bẻ ở những đám tre gần khu đất trại. Canh lòng mẹ và món xào tình cha thể hiện sự hy sinh và tình yêu của người cha và người mẹ dành cho con. Khi con khôn lớn (trái trứng luộc), con phải vào đời trở thành những người sinh viên thì khó khăn trong cuộc sống sẽ vây lấy con (lá tre). Tuy vậy, nhờ tình cha-mẹ con cố gắng vượt qua khó khăn đó, để giữ tâm hồn trong sạch, vươn đến thành công. Sau khi thuyết trình, tôi cũng cảm thấy mình nổ thật. Không ngờ, món canh, món xào mà chúng tôi lại ví như tình cha-mẹ. Ấy vậy mà lại được ban tổ chức khen phần thuyết trình đấy.
 
Sau khi nghe tất cả các đội thuyết trình món ăn, chúng tôi trở về đội và cùng nhau “đánh chén” một bữa no say. Trong khi ăn, chúng tôi còn có phần giao lưu giữa các đội, tức là cầm chén của mình, chạy qua những đội khác để ăn ké nữa. Nghĩ lại đúng là vui thật.
 
Mỹ An
Các bài liên quan: 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.