Chăm sóc cho cha mẹ.
Chăm sóc cha mẹ là điều quan trọng nhất để thể hiện việc báo hiếu, điều này đúng với hầu hết các tộc người trên thế giới, đối với người Khmer cũng vậy. Ở người Khmer, nhiệm vụ chăm sóc cho cha mẹ có khác nhau giữa người con trai và người con gái ở thời điểm những người con trai phải đi tu học cho đến khi họ hoàn tục về nhà.
Khi người con trai đi tu, nhiệm vụ chăm sóc cho cha mẹ dành cho những người con còn lại trong gia đình. Thường thì trong các gia đình Khmer truyền thống, những người con trai đi tu rất lâu trong chùa. Một người con trai phải đi tu trong vòng sáu đến bảy năm trở lên. Vì theo quan niệm người Khmer, đi tu là phải qua tới hai bậc là Sa-di và Tỳ Khưu. Tu Sa-di từ lúc mới vào chùa cho tới hai mốt tuổi mới được tu bậc Tỳ Khưu, Tu Sa-di để báo hiếu cho mẹ. Thời gian tu học ở trong chùa rất lâu, vì thế trong một gia đình có thể cùng một thời điểm nhưng tất cả những người con trai đều tu trong chùa. Lúc này, người con gái ở trong nhà sẽ thực hiện bổn phận chăm sóc cho cha mẹ.
Trong trường hợp cha mẹ gặp bệnh tật, đau yếu, thì dù là đang đi tu trong chùa, những người con trai cũng phải xin phép sư cả để được về nhà chăm sóc cho cha mẹ. Theo giới luật, những người Khmer đã đi tu trong chùa thì không được tiếp xúc với người thân, không được về nhà thăm người thân, tách khỏi các mối quan hệ với người thân. Nhưng khi cha mẹ bị bệnh thì các sư có thể được cho phép về thăm và chăm sóc, phụng dưỡng cho cha mẹ.
Khi cha mẹ đã chết
Đối với người Khmer, con người chết đi nhưng linh hồn không mất đi mà sẽ chờ đợi để được đầu thai vào kiếp khác. Do vậy ngoài việc thờ cúng ra, người con muốn báo hiếu cho cha mẹ thì phải luôn luôn làm phước, dâng cơm và cầu siêu cho linh hồn của cha mẹ.
(Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Không có quy định rằng người con thứ mấy trong gia đình sẽ chăm lo việc thắp nhang và làm đám giỗ cho cha mẹ. Thông thường, những người con nào sinh trên phần đất mà cha mẹ khi còn sống đã ở thì sẽ đảm nhiệm bổn phận đó. Việc thắp nhang cho cha mẹ thường được thực hiện mỗi ngày vào buổi tối. Nhang được thắp đầu tiên trên bàn thờ Phật, sau đó đến ông bà, cha mẹ, rồi đến các vị thần ở bên ngoài gia đình. Nhiều người Khmer quan niệm khói nhang có thể làm cầu nối, dẫn những điều mà con cái nhắn nhủ, những lời chúc của con cái đến với cha mẹ, để cha mẹ biết là các con đang nhớ về cha mẹ.
Hiện nay, do tiếp thu văn hóa của những tộc người khác, người Khmer cũng thực hiện đám giỗ cho những người đã khuất vào ngày mất hàng năm. Đám giỗ thường được tất cả các con cháu cùng đến nơi thờ cúng cha mẹ và cùng làm. Người ta sẽ sắp những món ăn ngon mà ngày còn sống cha mẹ thích ăn, chuẩn bị y áo mới. Sau đó mời các sư đến cầu siêu cho cha mẹ và dâng cơm và y áo cho các quý sư.
Làm việc tốt trong đời sống hàng ngày cũng là một việc làm để báo hiếu cho cha mẹ dù cha mẹ đã chết. Trước hết làm việc tốt thì linh hồn cha mẹ ở một nơi nào đó biết được và sẽ vui lòng. Tiếp theo, làm việc tốt có thể tích phước cho chính bản thân của những người con và có thể giúp cho cha mẹ nhanh chóng đầu thai làm người trong kiếp tiếp theo. Người Khmer cho rằng phước có một năng lực đặc biệt, nó có thể giúp con người ta hóa dữ thành lành, nếu chết rồi thì có thể giúp người chết nhanh chóng được đầu thai. Phước chỉ có thể có được thông qua việc làm việc tốt. Đó là những việc làm giúp đời, giúp người mà không phát nguyện, tức là giúp đỡ một cách vô tư không có sự đòi lại.
Thế giới của những người đã chết cũng giống như thế giới thực tại, người chết cũng phải ăn uống như những người đang sống. Người Khmer cũng giống như rất nhiều tộc người khác là thực hiện cúng cơm cho những người đã chết. Tuy nhiên, đối với người Khmer, người chết sẽ không nhận được phần thức ăn của người sống gửi tới nếu không qua khâu trung gian là các quý sư và các lời kinh của mà họ đọc trong các nghi thức cúng tế. Do đó, những người con có hiếu với cha mẹ thì luôn luôn phải biết thực hiện Lễ dâng cơm và Lễ dâng y áo cho cha mẹ. Như vậy, cha mẹ có thể nhận được thức ăn và quần áo mà con cái dâng cúng. Cũng nhờ thế, cha mẹ của những người Khmer sẽ không bị đói rét khi đang ở thế giớ của người chết. Người Khmer thường làm Lễ dâng cơm tại chùa vào các ngày 8, 15, 23, 30 hàng tháng (theo Âm lịch).
Cầu siêu là một là một trong những bổn phận quan trọng của những người con đối với cha mẹ khi cha mẹ đã chết. Lễ cầu siêu không được thực hiện nhiều giống như lễ dâng cơm mà chỉ được thực hiện trong những ngày lễ lớn như Chol chnam thmay, Sel Đolta, Lễ dâng y Kythana, và đám giỗ. Trong lễ cầu siêu, các con cháu trong gia đình phải mời các quý sư đọc kinh cầu siêu cho cha mẹ mình. Lễ cầu siêu trong lễ Chol chnam thmay là lớn nhất và làm đầy đủ nhất, bởi vì chỉ có ngày đó các tro cốt mới được mang ra bên ngoài để vẩy nước thơm và đọc kinh cầu siêu.
Nghi lễ cầu siêu rất quan trọng, kinh được đọc trong lễ cầu siêu có một uy lực rất mạnh có thể làm cho những người chết nhanh chóng được siêu thoát. Nội dung của kinh cầu siêu là những lời răn của Đức Phật đối với người chết làm cho tâm hồn của người chết được minh mẫn, trong sạch và hướng thiện. Ngoài ra, kinh này còn có thể trừ diệt được những tội lỗi trước đó của người chết lúc họ còn sống, giúp họ tích phước để nhanh chóng đầu thai.
(Còn tiếp)
Nhóm tác giả