Vì phải kiếm miếng cơm manh áo, nhiều phụ nữ đã bỏ làng quê lên sống và làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Với tuổi đời còn khá trẻ, những người phụ nữ này đều có ý định sinh sống và làm việc lâu dài ở những nơi này. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nữ công nhân nhập cư tuy đã đến tuổi lập gia đình nhưng vẫn lận đận với chuyện chồng con.
Ngoài nỗi lo cơm áo, người nữ công nhân còn nặng gánh gia đình – (Nguồn Internet) |
Chôn vùi tuổi thanh xuân với áp lực tăng ca
Làm việc theo ca và việc tăng ca thường xuyên là một áp lực thời gian rất lớn đối với người nữ công nhân. Chế độ làm việc này không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề kết hôn của họ. Để tăng thêm thu nhập nhằm có thể chi trả các khoản tiêu trong tháng, hầu hết các nữ công nhân đều chọn đăng kí làm thêm ca. Trung bình mỗi ngày, nữ công nhân chỉ còn khoảng 12-13 tiếng đồng hồ để chăm sóc bản thân với những nhu cầu tối thiểu cơ bản. Vì phải thường xuyên tăng ca trong công việc, hầu hết nữ công nhân đều cảm thấy quá mệt mỏi đến nỗi không còn muốn nghĩ đến chuyện tình cảm, yêu đương. Tất nhiên, đây là một lý do mang tính chủ quan và hoàn toàn có thể khắc phục được nếu những phụ nữ này cố gắng hơn trong việc sắp xếp thời gian của mình. Tuy nhiên, tăng ca thường xuyên cũng làm cho giờ giấc của nữ công nhân không ổn định khiến họ không có thời gian và cơ hội để giao lưu tìm hiểu bạn khác giới và thật khó để có thể tiến tới hôn nhân. Nếu lý do trước có thể khắc phục vì mang tính chủ quan thì lí do mang tính công việc thật sự là một vấn đề nan giải. Bản thân người nữ công nhân không thể giải quyết được nếu chỉ dựa vào sự nổ lực của chính mình. Để tìm được hạnh phúc, những người phụ nữ này cần có được sự trợ giúp từ phía các cơ quan, ban ngành nơi họ làm việc. Tuy nhiên, chờ đợi đến khi nào? Câu trả lời cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc để người nữ công nhân không còn phải lận đận và quá lo lắng cho thời con gái của mình.
Độ chênh giữa cán cân giới tính
Hiện nay, tại các khu công nghiệp và các khu chế xuất, do yêu cầu các mặt hàng xuất khẩu cần sự khéo léo, cẩn thận, chịu khó, lao động nữ chiếm một tỉ lệ cao hơn nhiều so với nam giới. Vì tính chất công việc như vậy, cơ chế tuyển lao động khó có thể đổi khác được. Sự mất cân bằng giới tính tại nơi làm việc nói riêng và khu chế xuất nói chung đã làm cho nhiều nữ công nhân gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm đối tượng để tìm hiểu và kết hôn.
Không chỉ tại nơi làm việc, sự mất cân bằng giới tính còn tồn tại ngay tại các khu nhà trọ của công nhân hiện nay. Nhìn vào các khu nhà trọ với sự vắng bong của các đấng nam nhi, nhiều nữ công nhân ngoài nỗi lo cho đời sống mưu sinh hằng ngày còn phải nặng lòng với nỗi lo “ế chồng”.
Tuy vậy, vì cuộc sống khó khăn của bản thân và của những người thân ở quê nghèo, chẳng ai trong số nữ công nhân muốn bỏ công việc hiện tại để chuyển sang một công việc khác nhằm thuận lợi hơn trong việc tìm bạn đời.
Nỗi niềm riêng chung
Vấn đề gia đình, chồng con là nỗi niềm riêng của người phụ nữ. Tuy nhiên, khi nỗi niềm ấy trở thành một xu hướng đang ngày càng trở nên phổ biến thì nó lại trở thành nỗi lo chung cần được xã hội sẻ chia. Vậy, xã hội có thể làm gỉ để giúp người nữ công nhân nhập cư có thể tìm thấy một mái ấm như bao phụ nữ khác? Thiết nghĩ, những nhà quản lí các khu công nghiệp, khu chế xuất nên quan tâm hơn đến việc bố trí hài hòa lao động nam và lao động nữ. Ngoài ra, việc đẩy mạnh các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích của Công đoàn cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn để nữ công nhân có thể giao lưu và tìm kiếm được người bạn đời cho bản thân mình.
Trần Thị Ngọc Lưu