Câu chuyện từ một buổi đơn ca tài tử (2)

0
1765
Hôm nay có tổng cộng 13 người đến tham gia (không tính tôi và bạn tôi), vợ con anh Hòa vừa là phục vụ vừa là người tham gia ca hát. Suốt cả buổi sinh hoạt chỉ có duy nhất một người đàn ông phụ trách đờn guitare phím lõm điện tử ngồi trên sân khấu, vì là đàn điện nên khi nối với bộ loa, tiếng phát ra rất lớn. Buổi diễn có hai cái micro không dây, toàn bộ âm thanh đều được truyền qua bộ loa. Vì thế nảy sinh ra một vấn đề là muốn nói chuyện, trao đổi điều gì với nhau, người này phải ghé thật sát vào tai người kia, và hét lên. Khi âm thanh hét lên đủ để người kia nghe thấy, thì nó cũng vừa đủ để tạo thành những tiếng động không nghe rõ thành tiếng nhưng gây mất tập trung nếu muốn nghe nhạc.
Ảnh: sưu tầm Internet

Câu chuyện mà họ nói với nhau một cách đầy thú vị là những mẩu chuyện không liên quan gì đến đờn ca. Những người phụ nữ thì đang bàn luận việc muỗi dạo này nhiều quá, họ phải chống muỗi như thế nào, ruộng vườn mùa này khiến muỗi sinh sôi. Những người đàn ông ngồi hút thuốc, bàn luận chuyện đám giỗ, đám cưới của các gia đình trong ấp, họ phải chia nhau đi như thế nào . Tôi đang ngồi chăm chú nghe một người đàn ông hát, thì bỗng dưng người đàn ông đó dừng hát, nhoẻn miệng cười rất tươi, dù cho người đờn vẫn đang đờn rất hăng say và đoạn đó chưa thể kết thúc bài nhạc. Những người ngồi nghe ở dưới cũng cười. Lúc đó, Anh Thanh (người học trò đi cùng với chúng tôi) quay sang nhìn tôi, anh cũng cười, và hét vào chúng tôi bằng một thái độ vừa dịu dàng vừa rất tức cười: “Quên lời, quên lời!”. Tôi ngẩn người nhìn lên trên sân khấu, và chỉ một lúc sau, như chợt nhớ ra, người đàn ông đó hát tiếp như không có chuyện gì xảy ra. Mọi chuyện lại trở lại bình thường. Người đàn ông này hát xong, mọi người vỗ tay, anh Phương với tư cách chủ nhà và là trưởng câu lạc bộ liền cầm micro đứng lên nói bằng một giọng rất trang trọng mà tôi có thể hình dung rằng anh dùng cũng cái giọng đó để giới thiệu bài hát trong các show diễn của mình.

Tiết mục tiếp theo là bài “Mẹ anh hùng” (tác giả Nguyễn Việt Cường) do chính anh hát và ông Hòa đờn. Ông Hòa nhận lấy cây đàn của người nhạc công, ung dung ngồi xuống ghế, ôm cây đàn và chỉnh cây đàn. Anh Phương là người đã đạt giải nhất cuộc thi hát vọng cổ của Đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cách đây 2 – 3 năm, nên anh được nhiều người trong câu lạc bộ nể trọng. Khi ông lên đờn, tất cả đều im lặng lắng nghe. Không khí lúc đó dường như cô đặc lại, mọi người hoặc nhìn chăm chú lên sân khấu, hoặc nhìn vào một khoảng không nào đó, lắng nghe tiếng đờn lời ca. Mỗi lần xuống xề, mọi người đều đồng loạt vỗ tay tán thưởng, hưởng ứng. Không khí nghiêm trang và chăm chú đến mức không ai di chuyển chỗ ngồi, cũng không ai nói với nhau câu nào, chỉ có tiếng đập muỗi thi thoảng vang lên. Đến lúc ông dứt tiếng đờn, những tiếng vỗ tay lập tức vang lên, mạnh hơn và đồng loạt hơn tiếng vỗ tay dành cho người hát trước. Ông vừa đứng lên, mọi người liền trầm trồ, những câu tán thưởng được nói lớn để tất cả đều nghe thấy: “Quá trời mùi!”, “Chú Chín đờn bén quá!”, “Chú Chín đờn hay quá!” . Đáp lại những lời khen, ông chỉ cười, rồi ngồi ngay tại dãy bàn nhựa để nói chuyện với mấy người học trò. Anh Phương lại giới thiệu những tiết mục tiếp theo. Và không khí lại thay đổi khi người ngồi đờn không còn là ông Hòa nữa.
Sự khác biệt có thể thấy rõ trong hành động và trong nét mặt của mọi người. Những cái võng cứ lắc đều, những tiếng nói không rõ tiếng do phải hét vào tai nhau lại phát ra, với cường độ ngày càng lớn, và chẳng ai nhìn về phía sân khấu nữa. Dường như họ mất tập trung hoàn toàn, không khí loãng đến mức có vẻ họ đến đây không phải để xem và nghe. Người ca cứ ca. Người đờn cứ đờn. Người ngồi nghe cứ nhìn vào những khoảng không nào đó không rõ, hoặc nói chuyện với nhau và đập muỗi liên hồi , hoặc đi loanh quanh trong nhà, đi ra ngoài hút thuốc. Những bản được chọn để hát là những bản ngắn, mỗi người hát trung bình khoảng ba đến bốn phút. Mọi người cứ thay nhau quên lời, và mỗi lần quên lời họ lại cùng nhau cười, như một sự thông cảm cho nhau. Không chỉ quên lời, họ còn hát trật nhịp, và có những người mà tôi biết nhạc công phải khó khăn lắm mới theo được họ, đưa họ vào khớp với nhạc. Mỗi lần xảy ra sự cố, họ lại được dịp cười và tỏ ra cảm thông với nhau. Còn lại, họ như không có liên hệ gì với người đang biểu diễn. Có những người không tự vào nhạc được mà phải đợi nhạc công hô “Vô!”, mới bắt đầu hát. Lại có những người đang hát thì bỏ micro, không hát nữa, mặc cho người đờn vẫn ngồi đờn hăng say. Một lát sau, họ mới giải thích là đang bị bệnh, đau họng nên hát không nổi. Mọi người không ai nói gì, chỉ cười, dường như họ đã quá quen với việc này. Chỉ có tôi và bạn tôi ở dưới, tự hỏi chuyện gì đang xảy ra. Giống như chúng tôi đang xem một vở hài kịch, trong đó những người diễn nghiệp dư không hẳn là nghiệp dư, còn chuyên nghiệp thì chắc cũng không phải là chuyên nghiệp. Tính chất “tài tử”, với cái ý nghĩa là “tùy hứng”, “không chuyên nghiệp” thể hiện một cách rõ rệt từ cách họ biểu diễn cho đến cách họ thường thức. Biểu diễn quên lời, đang diễn bỗng nhiên đi xuống, những hành động này diễn ra thường xuyên đến mức họ đạt được thỏa thuận bỏ qua và xem như lẽ đương nhiên. Họ đến đây không phải để hòa đờn, hòa ca, mà để chính mình được hát và để có nơi chốn sinh hoạt. Nó dường như là thói quen nhiều hơn là một niềm đam mê. Cái không khí lộn xộn và nhốn nháo đó chỉ tạm dừng lại khi đến lượt ông Hòa lên diễn, giống như từ con người này tỏa ra một cái uy lớn đến mức họ bỏ qua những thói quen thường ngày của mình để trở thành một người khác. Quả thật vậy, mỗi lần ông được mời lên đờn thì không khí đổi khác. Một lần nữa, mọi người lại chăm chú ngồi nghe. Không ai nói với ai lời nào, chỉ có những tiếng đập muỗi, hoặc thi thoảng có người đứng lên vào nhà vệ sinh ở đằng sau. Họ vỗ tay nhiệt liệt ở những câu xuống xề, và còn nhiệt liệt hơn khi ông đờn dứt bài. Lúc này trên sâu khấu là một người phụ nữ tầm 55 tuổi, tên Lan. Cô ca “Mười hai câu vọng cổ”. Cô vừa ca vừa đuổi muỗi bu xung quanh mình, càng tối, muỗi càng nhiều. Vừa ca hết bài, chưa kịp buông micro, cô đã nói ngay, giọng nửa thật nửa đùa: “Em thấy anh Chín tự dưng em run quá, em không có dám ca!”. Cô đùa, nhưng chẳng ai cười cả. Trong câu đùa đó dường như chiếm hơn một nửa là sự thật. Buổi sinh hoạt diễn ra đến 21h30 thì kết thúc. Mọi người lần lượt ra về, sau Tết Ta họ mới có một buổi sinh hoạt tiếp theo, vì trong thời gian này gia đình anh Hòa bận giao hàng cho kịp đơn đặt hàng trước Tết. Không ai tỏ vẻ buồn vì điều này, mọi người cười nói như không có chuyện gì xảy ra.
Chúng ta sẽ tự hỏi rằng, không khí thi vị đáng lẽ một buổi đờn ca đã đi đâu mất? Sự không chuyên nghiệp không phải là vấn đề lớn trong trường hợp này, vì họ là những người dân bình thường, sáng sáng làm ruộng hoặc buôn bán, tối bỏ ruộng cày chợ búa để trở thành người đờn ca. Điều duy nhất họ đến đây là nhằm đạt được sự thư giãn về tinh thần, một nơi thỏa mãn sở thích đối với nhạc tài tử, vừa được trò chuyện, trao đổi với nhau những câu chuyện đời thường. Tài tử đối với họ là đam mê, là khi được đờn, được ca thì “Sướng lắm, sướng lắm!” , “Anh không biết dùng từ gì để diễn tả cái sướng khi mà anh biết đờn” . Với một mục đích rất đơn giản như vậy, họ chấp nhận không mảy may phiền lòng những quên lời, trật nhịp, giọng hát phô, bỏ hát giữa chừng, sự thiếu hụt về bài bản ca và thiếu các tay đờn cho đủ một ban nhạc Tài tử. Đó không phải là vấn đề quan trọng với họ, vì chỉ cần như buổi “Vầng trăng cổ nhạc” hôm nay, mục đích của họ đã đạt được. Đờn ca tài tử đã thực hiện được chức năng của nó một cách toàn vẹn trong tối hôm đó, dù nó không thi vị, không hoàn hảo như sách vở. Nhưng tại sao giữa họ và ông chủ nhà của tôi lại có một mối quan hệ kì lạ đến thế? Nếu đờn ca chỉ là một phương tiện để thỏa mãn tinh thần, thì tại sao họ lại có thái độ như thế? Đành rằng, trước một người tài, một người có uy tín, bất kì ai cũng sẽ nể phục. Nhưng cái mà tôi muốn tìm hiểu ở đây không hẳn chỉ là tài năng hay uy tín có được qua chức vụ. Ông chủ nhà của tôi, từ lâu đã nghỉ làm ở Ủy ban xã vì lí do sức khỏe. Ông là một người đàn ông hiền hòa với lối xóm, không xích mích với ai, rất rộng lượng và luôn sẵn lòng với mọi người. Nhưng vẫn có những người sợ ông, những người mà chỉ cần đang ngồi đờn với nhau, thấy ông đi ngang qua, liền sợ quá, không dám đờn nữa . Những người mà họ nửa đùa nửa thật, nói rằng có mặt ông ở đây họ không dám ca. Điều gì đã khiến cho ông và họ có một khoảng cách lớn như vậy? Tài năng, vâng, nhưng ngoài yếu tố đó ra, còn điều gì nữa ở đây? Vì như ông nói, nếu tài tử nghĩa là “không phải đi ăn tiền […] không cần tiền […].” thì những người ở đây đã đạt đến mức độ tài tử rồi. Họ biểu diễn không cần tiền, diễn cho nhau nghe, vì sở thích cá nhân. Nhưng kể cả với ý nghĩa đó, dường như họ vẫn chưa “đủ” để ông gọi là tài tử. Tối hôm đó, khi về đến nhà, khi tôi đang lọc cọc ngồi gõ những chữ đầu tiên của Nhật kí điền dã, ông đến ngồi gần tôi và bạn tôi, hỏi cảm nghĩ của chúng tôi về đêm nhạc vừa qua. Theo một phép lịch sự thông thường, và theo một quan điểm không phán xét, tôi trả lời ông rằng buổi biểu diễn rất ổn, rất tốt, lần đầu tiên chúng tôi được tham dự trực tiếp vào một buổi đờn ca tài tử như thế, chúng tôi vô cùng cảm ơn ông. Nhưng, trước mắt tôi, ông, chính ông, đang lắc đầu, và bảo với tôi, buổi biểu diễn này chưa là gì đâu, đờn sai nhiều. Thậm chí lúc còn ngồi cạnh tôi ngay trong buổi sinh hoạt, ông đã nói với tôi người đang đờn “cũng bình thường thôi”, “cũng chẳng là cái gì cả”. Ông nói ông vừa mới tổ chức một buổi lớn hơn, hoành tráng hơn, nhiều người đờn giỏi hơn, ca hay hơn, tiếc là lúc đó tôi không xuống được. Ông muốn cho tôi xem buổi sinh hoạt đó chứ không phải là buổi sinh hoạt này, mà bất đắc dĩ vì tôi không sắp xếp thêm được thời gian nữa nên ông đã quyết định đưa tôi đến vào tối nay.
Trở lại câu hỏi điều gì làm nên sự khác biệt đó nếu tạm thời bỏ qua yếu tố tài năng (mặc dù việc bỏ qua có vẻ hơi khập khiễng). Tôi mạn phép nghĩ rằng, có thể là do “chuẩn mực” của ông quá cao, cái chuẩn mực về thế nào là Tài tử, thế nào là hay, thế nào mới là “đúng chuẩn” của ông. Đờn ca tài tử, với ý nghĩa thông thường nhất của nó, là một thể loại âm nhạc của người dân Nam Bộ, nó tồn tại trong không gian sông nước thôn quê Nam Bộ, được nuôi dưỡng bởi những người nông dân chân lấm tay bùn, đến lúc cầm đàn thì tạm thời buông cày cấy, như một thú chơi thư giãn. Chức năng chính của đờn ca tài tử là món ăn tinh thần của người nông dân, nó được nuôi sống trong môi trường xã hội thôn quê. Đặt những sinh hoạt đờn ca của người dân bình thường dưới “chuẩn” của mình, ông đã xây dựng một “chuẩn” mới, cái chuẩn này được uy tín của ông nâng cao tới mức có thể trấn áp tinh thần của những người không theo chuẩn. Và một thực tế là ông còn là thầy dạy một số học trò đờn, những học trò của ông trực tiếp tiếp thu chuẩn của ông, và dần dần cũng trở thành “chuẩn” của họ. Vậy cái chuẩn đó là gì? Và chuẩn đó hình thành từ đâu? Qua “chuẩn mực” dường như chỉ tồn tại trong lĩnh vực âm nhạc này, chúng ta thấy được điều gì trong đời sống thôn quê hiện nay?
(còn tiếp) 
Trần Ngân Hà
Tp.HCM, tháng 2/2012

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.