“nhất tự vi sư, bán tự vi sư” |
Thuở xưa, lâu lắm rồi, ở quê tôi và chắc hẳn ở nhiều vùng quê khác ở Bắc bộ, hình ảnh và tư thế người thầy giáo làng thật đáng kính. Lũ trẻ bọn tôi mỗi khi oánh nhau hay chửi nhau, đến lúc đỉnh điểm có khi mang tên bố của nhau ra chửi, nhưng điều tối kỵ mang tên thầy dạy ra réo, một khi đã như thế là ắt hẳn có đứa ăn đòn nhừ tử nếu không phải của địch thủ thì của cha mẹ vì như thế là “mất dạy”. Ông thầy dạy vỡ lòng cho lũ nhóc chúng tôi có nghề chính là hoạn lợn, làm ruộng, còn làm thầy thì là làng mời do ông có ít chữ từ thời bình dân học vụ. Thầy hồi ấy không biên chế, không lương, thỉnh thoảng cha mẹ chúng tôi mang biếu thầy khi nải chuối, rổ khoai, lúc con cá, mớ rau, còn lũ chúng tôi học ở đình làng, nghèo thế nhưng ông dạy chu đáo lắm, đứa nào sau này cũng nên người. Tôi rất sợ ông vì ông dữ đòn lắm, tôi rất hay bị phạt mà nặng nhất là quì trên vỏ mít hay ngồi thu lu trong cái nơm úp cá còn ông ngồi lên trên, nhưng chúng tôi lại rất kính trọng ông. Người dân quê mùa mấy ai hiểu nhiều “quân, sư, phụ” như thánh hiền dạy, nhưng lại tự hiểu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Những năm ông còn sống, năm nào về quê tôi cũng đến thăm. Đám ma ông nghe nói to nhất làng.
Theo thời cuộc hình ảnh người thầy cũng thay đổi, cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, hình ảnh người thầy vẫn còn lung linh lắm, nhưng cho đến những năm gần đây nó cứ nhạt dần, nhạt dần, đến mức khi nói đến thầy người ta cứ nghĩ đến một đối tượng đáng thương nhiều hơn đáng kính. Lỗi này chắc đến từ nhiều phía.
Tôi có đi nhiều nước, vốn tò mò cho nên hay đến thăm nhà các thầy giáo, hỏi han đời sống của họ và thấy họ vẫn được bao cấp một phần và được nhà nước rất quan tâm. Các giảng viên đại học Trung Quốc vẫn còn chế độ cấp nhà, trợ giá tiền điện, nước, đi lại,…các nhà giáo ở Malaysia được trả rất lương cao nên ai cũng có xe hơi, cán bộ cấp khoa được cấp xe, căn hộ,…còn ở Hàn Quốc thì khỏi phải nói, thậm chí ngay ở Lào giảng viên đại học có mức lương khá cao. Chính quyền ở các nước này quan niệm rất rõ ràng rằng người thầy giáo là thuộc đẳng cấp ưu tú, thành phần dẫn dẵt xã hội do vậy mà cần phải tạo ra một khoảng cách tâm lý-xã hội, mà muốn được xã hội tôn trọng thì họ phải sống đàng hoàng, không ăn bẩn, không lèm nhèm. Có lẽ vì được đãi ngộ, đời sống dư dả mà hình ảnh người thầy ở xứ họ vẫn còn đẹp lắm. Có lần tôi và ThS. Sơn Thanh Tùng đi cùng xe một vị giáo sư của trường Đại học Chlalongkorn đến một nhà hàng ở Bangkok và phải xếp xe sau một hàng dài đợi vào bãi, có người nhận ra vị giáo sư nọ và tất cả tự nhường cho xe của vị GS vào trước, tôi ngờ họ nhường chỗ vì giáo sư nọ là trưởng khoa và khá nổi tiếng, nhưng ông ấy nói ở Thái Lan tất cả các thầy giáo và thầy chùa được ưu tiên trước nhất, trên cả các chính trị gia.
Chả biết có phải ở xứ ta chuyển sang kinh tế thị trường hơi quá đà hay nhìn nhận kinh tế thị trường lệch lạc, mà có những nơi cần chuyển nhanh nhất thì lại không làm như chuyện cổ phần các tập đoàn kinh tế nhà nước, có nơi chưa cần phải chuyển nhanh nhưng lại làm thật gọn lỏn như đối với y tế và giáo dục. Thu nhập của người thầy giáo đại học dưới 10 năm thâm niên thường không quá 3 triệu đồng một tháng, như thế khó mà nói sống đàng hoàng được mà đã không đàng hoàng thì khó yêu cầu xã hội trọng thị. Chả biết có phải thế không mà ngày 20-11 nghe có vẻ giông giống như ngày làm phúc hơn là ngày tôn vinh, quà cho thầy thì chắc mẩm là áo Việt Tiến, còn cho cô giáo thì mảnh áo dài Thái Tuấn.
Những năm gần đây nghề làm thầy được nhà nước coi là một nghề như bất cứ nghề nào khác trong xã hội và được liệt kê trong danh mục nghề nghiệp. Người đi học phải trả tiền học (có người gọi là mua chữ), thầy dạy sống bằng tiền học phí của trò, quan hệ người dạy người học không còn đẹp như xưa nữa, nhiều khi thấy nó sòng phẳng, lạnh lùng như mua bán ngoài chợ.
Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại, bản thân người thầy bây giờ cũng không còn thiêng nữa. Trước kia nói đến thầy đại học là giỏi lắm, mà hình như ông thầy nào ở đại học thời ấy cũng đáng nể thật. Hầu như ai cũng uyên thâm, học cao hiểu rộng mà lại đức độ, nhưng thầy bây giờ sao khác quá. Nhiều người nói, bây giờ làm thầy giáo đại học (nói thuần túy là chuyện dạy) không khó mà cái khó là làm thế nào để được giữ lại ở trường, nếu chỉ để dạy nghe được thì chịu khó cắp cặp theo một ông thầy giỏi học theo kiểu khẩu nhập chừng 3 vòng là có thể dạy lại cho sinh viên được, có lẽ thế mà ở một số trường có khá nhiều người được giữ lại làm thầy có đến 10 năm mà chỉ có mỗi việc coi thi, bởi họ được giữ lại vì làm hài lòng ông bà trưởng khoa, chứ chẳng giỏi giang gì.
Xã hội hiện đại đòi hỏi người thầy không chỉ là người có khiếu nói mà còn phải là nhà nghiên cứu, cho dù nghiên cứu chỉ để phục vụ giảng dạy (nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi những phẩm chất khác), nhưng chuyện thầy giáo có mỗi cái giáo án dạy hàng chục năm vẫn vậy (còn bây giờ là trình chiếu slide) đến mức sinh viên cao học bảo nhau đến chỗ đó nhất định thầy sẽ cười hay kể chuyện tiếu lâm, bởi họ đã nghe chán khi còn là sinh viên cử nhân. Còn chuyện cô giáo nọ thầy giáo kia chép công trình của đồng nghiệp khác, thậm chí chép cả đề tài nghiên cứu của sinh viên làm chức danh giảng viên chính, làm phó giáo sư là chuyện không phải là hiếm gặp…
Nói đến người thầy không chỉ nói chuyện tài năng mà còn cả chuyện đức độ nữa. Chuyện đạo làm thầy bị nhạt nhòa còn có nguyên nhân do chính các thầy cô tự làm hỏng hình ảnh của mình đi trong mắt sinh viên và ngoài xã hội. Chuyện người thầy bán điểm, bán đề thi lấy tiền, quà biếu không phải là hiếm, chuyện đổi bằng lấy đất, đổi bằng lấy tình nghe râm ran đây đó, chuyện thầy trò (nhất là trò tại chức) ngả ngớn trong quán nhậu, sau đó là tăng hai tăng ba không phải không có.
Trường chúng ta đang diễn ra một cuộc chuyển giao sứ mạng của thế hệ lớn cho thế hệ trẻ. Một loạt các thầy cô lớn tuổi không làm quản lý, lui dần về tuyến sau, nhường trận địa cho thế hệ trẻ. Mặc dù chưa hoàn hảo, còn nhiều điều chưa hẳn đã hài lòng, nhưng dầu sao thế hệ lão thành ở trường đã đặt được một nền móng cho nhà trường, định vị được “học hiệu”. Nhà trường bước vào giai đoạn tăng tốc, phát triển chiều sâu và hội nhập quốc tế rộng trong bối cảnh rất phức tạp. Đó là cạnh tranh trong nước dữ dội hơn, khoảng cách học thuật trong khu vực ngày một giãn rộng ra, sứ mệnh của khoa học phải trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, trong khi kinh tế ngày càng eo hẹp. Do vậy mà trọng trách đặt trên vai của thế hệ trẻ sẽ là rất nặng nề. Một trong số đó là cần phục hưng “đạo làm thầy”.
Sẽ là vô lý nếu đòi hỏi người thầy hôm nay “thanh bần, lạc đạo” như những nhà Nho xưa, hay đạo mạo theo kiểu “đói cho sạch, rách cho thơm” như các thầy thời bao cấp, nhưng dù làm thầy ở vào thời nào thì xã hội vẫn đòi hỏi phải là những người thật ưu tú, thật tử tế, chỉ có như thế họ mới xứng đáng là “nguyên khí quốc gia”, chỉ như thế họ mới đủ sức tạo ra những thế hệ người giữ gìn non sông đất nước này mãi “vững âu vàng”.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – Theo BTXHNV, số 43