Chương trình Quán Thanh xuân tháng 10 chủ đề những lá thư tay
Thật bồi hồi khi một lần tình cờ, tôi tìm thấy những lá thư viết tay của chú ruột mình, ông Kiều Khắc Lâu, một vị Tiến sĩ vật lý, du học tại Tiệp Khắc cũ từ thập niên 80, gửi về cho gia đình…
Những dòng chữ màu xanh, nét chữ nghiêm ngắn, nắn nót, được viết cẩn thận trên giấy pơ-luya trong, đã nhiều chỗ ố vàng do năm tháng, không chỉ khiến tôi mường tượng bối cảnh sống của một trí thức trẻ nơi đất khách quê người, mà còn dấy lên trong tôi niềm khao khát được đặt chân đến vùng đất xa xôi ấy.
Thời nay, lớp trẻ chúng ta chat chit trên điện thoại thông minh, lời lẽ dứt khoát, ngắn gọn, nhanh, hiệu quả kinh tế cao, sự kết nối các mối quan hệ chằng chịt trên không gian ảo lắm khi làm chúng ta trở nên lơ đãng với đời sống thực, và những dòng chữ chat chit đó, không được gọi là thư.
Cái gì cũng có tính hai mặt của nó, khi kết nối qua mạng internet, qua điện thoại thông minh, dù nhanh và hiệu quả tức thì, nhưng dường như, dung lượng chứa đựng tình cảm lại hạn hẹp, sức chuyên chở ý nghĩa yếu đi, và ta khó có thể đào bới ra những mỏ kim cương tình cảm ẩn giấu sau những dòng chat chit, nhanh chóng trôi đi khi ngày khép lại.
Nhưng liệu còn ai tiếc nuối những lá thư viết tay, một thời từng chuyên chở suối nguồn tình cảm, nguồn lực tinh thần tiềm ẩn, nuôi dưỡng tâm hồn, và ý chí của cả dân tộc ta? Thật may, những lá thư tay vẫn còn đó, được lặng lẽ nâng niu, trân trọng trong thời buổi chat chit như dòng thác lũ, cuốn đi phần lớn thời gian của con người, mà không để lại những giá trị tình cảm sâu nặng, vững bền như xưa. Và khi thư tay được giữ gìn, thì cũng sẽ đến lúc được nhìn nhận lại, trả lại sức sống của mình.
Chương trình Quán Thanh xuân của VTV với chủ đề Thư tay là một số rất đặc biệt. Một chủ đề vốn được xem là riêng tư, hóa ra không hoàn toàn như thế. Thư tay viết cách nay 30 năm, 50 năm, còn được gìn giữ, và như một di sản quý, được đem ra chia sẻ, để nhân mãi lên suối nguồn tình cảm đặc trưng cao quý của người Việt Nam. Được xem Chương trình Quán Thanh xuân với chủ đề Thư tay, tôi thấy như một đặc ân cho mình, khi chợt phát hiện ra một mạch ngầm tình cảm không bao giờ vơi cạn, cũng là một giải pháp độc đáo cho căn bệnh suy thoái tình cảm trong thời đại công nghệ 4.0 này. Bí mật đã được khai mở, chính là Thư tay!
Chẳng vậy mà, nhà báo, nhà văn, dịch giả Phùng Huy Thịnh, một cựu chiến binh đã chia sẻ trong Quán Thanh xuân rằng, những lá thư tay gửi cho nhau giữa người lính nơi chiến trường và người con gái nơi quê nhà, tuy lãng mạn yêu đương, nhưng lại chính là nguồn sức mạnh để người lính trở nên dũng cảm, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, vì người mình yêu dấu, qua những lá thư tình cảm, người lính được dựa vào tổ quốc phía sau, hiện hữu, đẹp đẽ, tràn đầy yêu thương.
Thư tay thời chiến cũng không hề riêng tư, mà là nguồn lực tình cảm chung của người lính. Trong một lần uống trà trò chuyện với người phi công anh hùng Nguyễn Đình Khoa, từng có những năm tháng tuổi trẻ lẫy lừng trên đôi cánh bạc, chiến đấu và chiến thắng, và có cả tình yêu lãng mạn như trong những phim về tình yêu và chiến tranh hào hùng nhất, ông đã kể với tôi rằng, hồi những năm 70, khi thư của người con gái ông yêu tới được đơn vị, thì ông không phải là người mở thư ra đọc đầu tiên.
Khi kết thúc trận đánh, về cứ, lá thư đến tay ông nhiều khi đã nhàu nát, thậm chí mờ cả chữ, vì qua tay quá nhiều người lính trong đơn vị. Nhưng không ai cảm thấy phiền vì điều đó. Lính xa nhà lâu ngày, đói tình cảm hơn cả đói cơm, nên khi có thư từ hậu phương, bất kể đó là thư riêng tư của vợ gửi chồng, cô gái gửi người yêu, con gửi bố, hoặc bố mẹ gửi con, thì đến tay ai đầu tiên, người ấy có quyền mở ra đọc, rồi truyền cho người khác. Niềm sung sướng, hạnh phúc không thể hưởng một mình, đã là đồng đội thì sẵn sàng hy sinh cho nhau, sự chia sẻ những lá thư tình cũng tiếp thêm sức mạnh để các anh lính có thể vững vàng chiến đấu nơi chiến trường khắc nghiệt muôn trùng.
Thời nay, chúng ta phải chiến đấu trong một cuộc chiến khác, tuy không có bom rơi đạn nổ, không có đổ máu và sự hy sinh, nhưng trong cuộc chiến với bệnh vô cảm, với sự mất mát bào mòn của niềm tin, của tình cảm giữa con người với con người, cũng khốc liệt không kém. Những nỗi đau từ xung đột người với người vẫn diễn ra hàng ngày, những tâm hồn người mai một, thất lạc trong thế giới thật ngày một đông thêm khi những dòng chữ trên không gian ảo không hàm chứa ý nghĩa sâu nặng hay trách nhiệm lớn lao, không là nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn, khi chat chit không chuyên chở dòng sông tình cảm bền vững… Và khi thư tay trở lại, trong
Quán Thanh xuân, như một dấu hiệu của sự sống ngập tràn tình cảm, mạnh mẽ sinh khí, thì chúng ta có quyền đặt lại hy vọng cho ngày hôm nay?
Kiều Bích Hậu
Nguồn: https://petrotimes.vn/thu-viet-tay-khong-chi-la-di-san-551745.html