Ký ức thời chiến: “chiến tranh đặc biệt” tại Sông Bé (phần II)

0
994

 Với nước mắt ứa trong khóe mắt, đôi mắt ngoại đỏ ngầu, ngoại chia sẻ: “Cuộc sống chật vật lắm con ơi, khổ lắm”, rồi ngoại lấy áo chùi nước mắt, kể tiếp. 
>>> Ký ức thời chiến: “chiến tranh đặc biệt” tại Sông Bé (phần I)
Thức ăn thì vô cùng thiếu thốn, không có lương thực để ăn, gạo thì không đủ, phải ăn cao lương, khoai mì, bà ngoại còn kể ngoại ăn cao lương không được, bị đau bụng, không dám ăn, phải nhịn đói, và nhiều người gần nhà cũng bị vậy.
Lúc nhìn bà ngoại nghẹn ngào, em cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao ngoại khóc, nói chuyện một lát mới hiểu được sự khổ cực mà gia đình đã trải qua, nhắc lại ngoại cảm thấy xót xa, không kiềm được nước mắt, cũng như bao hoàn cảnh sống khác của nhân dân ta thời bấy giờ giúp em cảm nhận rõ hơn về nỗi đau mà ông bà ngày xưa phải gánh chịu.
Không những vậy, cuộc sống đã khó khăn, quân Mỹ-Ngụy còn thường xuyên đi tuần tra, dẫn chó theo đánh hơi khắp nơi, tìm mọi ngóc ngách, có cố vấn của Mỹ theo hướng dẫn, giám sát, ức hiếp nhà dân. Quả thật giống như những bộ phim chiến tranh mà em thường xem trên truyền hình, không ngờ lại có thật và gia đình em từng trải qua.

Dù giặc kiểm soát chặt chẽ thế nào, quân Cách mạng của ta cũng tìm cách vào được, sống chung với dân. Cán bộ Cách mạng, giao liên đào đường hầm từ bên ngoài rào vào trong tới nhà dân, “địch xây rào ở trên, bộ đội đi dưới lòng đất”, để bám, theo dõi giặc, tuyên truyền trong nhân dân, những đồng chí đó được gọi là “cửa khẩu” và trong ấp chiến lược khu vực nhà ngoại là các đồng chí cửa khẩu Chánh Phú Hòa, ông bà ngoại nhớ rõ tên rất nhiều anh bộ đội giao liên, một trong những anh bộ đội đó là em của ông ngoại, cho thấy Cách mạng ta sống cùng dân, sống trong lòng dân, và theo cách nói của ông bà ngoại, em thấy ông bà rất kính trọng các anh.
Ngoại nói, mọi người ai cũng thương các anh “cửa khẩu”, mang lại một niềm tin sẽ có ngày đất nước được yên bình, khi có giặc lùng, mọi người đề tận tâm che chở, bảo vệ các anh. Và như chúng ta biết thì nhờ Cách mạng ta từ trong làng dân mà chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đi đến phá sản. Nhưng bên cạnh đó, chiến tranh không thể tránh khỏi những đau thương, khó khăn, “quân chiêu hồi” (những người đầu hàng đi theo giặc) chỉ hầm bí mật của Việt Cộng cho Mỹ-Ngụy, chúng không thương xót liền tử hình bằng cách cắt cổ hay bắn chết, còn nếu nấp dưới hầm không chịu lên thì chúng ném mìn cho nổ chết.
Những nhà mà bị phát hiện nuôi Việt Cộng cũng không được tha, chúng bắt rồi đánh, tra tấn dã man, kể cả phụ nữ đang mang bầu, chúng cũng tàn nhẫn hành hạ.
Bà ngoại kể lại, một lần cùng với 7 người khác qua nhà máy Xóm Xoài mua gạo về cho đem bán cho Việt Cộng kiếm thêm tiền, đã bị máy bay Mỹ phát hiện,chúng “quánh trái cay” (ném bom cay), làm cho mọi người đều bị cay mắt, không thấy đường đi nữa, nhưng ai cũng kịp giấu gạo vào gốc cây, vào mương không cho chúng lấy. “Nhờ giấu gạo đi kịp nên lần đó chúng bắt tay không, không có tang chứng, không kết tội được”, ngoại nói thêm. Sau đó chúng cho ‘máy bay sâu đo” ở Lai Khê chở mọi người đi, tra tấn để cho mọi người khai ra, ngoại diễn tả cách chúng tra tấn là cho từng người đưa bàn tay ra, bàn tay ai mà chai sần thì là nông dân, không đánh, còn tay ai mà trắng trẻo, không bị chai thì bị chúng nghi là theo Việt Cộng nên chỉ ghi sổ sách, bị chúng đánh đập, nhưng không chỉ tra tấn ở một nơi, mà chúng chở mọi người qua nhiều chốt, tra khảo nhiều lần, cuối cùng chứng minh không phải Việt Cộng, chúng mới tha về.

 Bà ngoại kể chuyện của ông ngoại, dù chỉ đi tải đạn, tải thương nhưng ông cũng phải tránh địch, chúng biết chúng sẽ bắt, ông ngoại đi suốt ngày, chỉ buổi tối mới dám về lấy lương thực. Bà ngoại nhớ, trong một lần ông ngoại về, bất ngờ địch đi tuần tra, dẫn chó đi đánh hơi khắp nơi, ông ngoại phải xuống hầm nấp, ở trên bà ngoại lấy đất, cát, thậm chí phân bò để lấp lại, che cái hầm không cho chúng phát hiện, lấp phân để không cho chó đánh hơi được, lúc ông ngoại trốn xuống, có 2 người kế bên nhà do quá gấp rút, cũng xin xuống nấp với ông ngoại, do cái hầm quá nhỏ, chỉ chứa đủ một người, mà lần này lại có 3 người, thiếu oxi, ông ngoại suýt nữa mất mạng vì không thở được nhưng may mắn là địch không đi tuần đến.
Trong một lần khác, bị chúng phát hiện, chúng đã tra tấn ông ngoại rất dã man, chúng lấy khăn bịt miệng rồi đổ nước vào mũi, rồi bịt mũi đổ nước vào miệng, làm nhiều lần như vậy, nước không thoát ra ở đâu, ông ngoại không chịu nên ngất đi, chúng không chịu tha, đạp vào bụng cho nước trào ra từ miệng rồi chúng lấy nước tạt vào mặt ông ngoại, khi tỉnh dậy, chúng lại tiếp tục tra tấn. Sau đó chúng bắt ông về tiểu khu Bến Cát, ông ngoại phải đi lao công, sáng giặc chở đi chặt phá cây vườn của dân ở suối Ông Thiềng, chiều chở về khám đường, do bị tình nghi là Việt Cộng, ông ngoại phải ở tù. Bà ngoại ở nhà phải đi làm một mình, kiếm tiền nuôi 2 cậu, vừa đi thăm nuôi ông ngoại. Nghe ngoại nói đến đây, ông ngoại nói thêm: “tụi nó dã man lắm”.
Đây cũng là lần đầu tiên em nghe về chuyện ông ngoại bị tra tấn một cách chi tiết như vậy, vừa khâm phục, vừa thương ông. Bà ngoại nói: “Không nhờ ngụy trang, không biết trốn giặc là ông ngoại không sống đến bây giờ đâu.

Ảnh. Sài gòn giải phóng

 Bao nhiêu bạn của ông ngoại đã mất, ông còn sống là may mắn lắm. Mà hồi đó không hiểu sao bà sống được nữa, khổ vậy mà sống cũng được, giờ mà quay lại khi đó chắc bà chết quá, giờ mà nếu nghe có lính Tây đi ngoài đầu đường chắc bà ngoại sợ chết, vậy mà hồi đó sống được”.
 Em nghe thật thán phục, hiểu được khó khăn, và đặc biệt là sự tàn ác, dã man của quân Mỹ-Ngụy đã mang lại nỗi đau cho nhân dân ta.
 Nỗi đau của con người không những thế, nghe bà ngoại nói, bọn Mỹ-Ngụy gài mìn, găng ngang dây trên đường buổi tối, sáng 7, 8 giờ mới gỡ cho người dân đi lại, nhưng có người nhà nghèo quá, đi trồng rau lang sớm, biết có mìn nhưng quá khổ nên đành liều đi, vấp phải dây mìn, nổ chết không toàn thây. Năm 1969, do ông ngoại đi tù ở Thủ Dầu Một nên bà ngoại dời nhà cho gần để dễ thăm nuôi ông ngoại, nhờ ông cố ngoại đi theo trông 2 cậu, lúc đầu không có nhà nên ở đậu rồi sau đó ông cố ngoại mua được nhà, gia đình có nhà riêng ở thì thoải mái hơn.
Trong năm 1975, ông ngoại bị bắt đi trong đoàn lính Nguyễn Tri Phương của Mỹ-Ngụy, là lính dự bị nằm trong danh sách bị tình nghi là Việt Cộng, nếu có giao chiến là đoàn lính đi “lãnh đạn” trước. Bà ngoại đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, thăm nuôi ông ngoại, lúc đầu được chia lại một xe bánh mì, bà ngoại bán bánh mì trang trải cho gia đình, ngoại nói ngày đầu tiên bán chưa có kinh nghiệm bị toán “quân chiêu hồi” lừa mua bánh mì mà không trả tiền, qua ngày sau, bà báo với chỉ huy của toán lính đó, và được hồi tiền lại. Ngoại nói ông làm chỉ huy dù là làm cho Mỹ-Ngụy nhưng cũng giỏi lắm, biết giữ nguyên tắc.
Còn ông cố ngoại làm nghề chạy xe ôm, hằng ngày đứng nhiều nơi để tìm chở khách kiếm thêm tiền phụ cho bà ngoại, gặp nhiều loại người về kể cho bà ngoại nghe. Có người giàu cho, trả tiền mà không lấy tiền thừa, mà chủ yếu những người đó làm cho Mỹ-Ngụy, hay là những người đầu hàng. Còn người dân mình dù ở thị xã nhưng vẫn nghèo, phải làm việc vô cùng gian khổ để kiếm tiền, lại còn bị chính quyền tay sai ức hiếp. Về sau thì ông cố ở nhà chăm cậu hai và cậu ba. Mà lúc đó, cậu ba lại bị bệnh ban, nhà nghèo nên không chữa trị đàng hoàng, bà ngoại nói lúc đó là thương ông cố lắm, ông cố lo cho cậu ba nhiều lắm, ông cố cực lắm.
 Một thời gian sau, ông cố nhờ người quen xin cho bà ngoại đi làm công chánh là công việc đi sửa chữa các đoạn đường bị hư hại, dù rất cực khổ nhưng được trả nhiều tiền hơn, và cũng có công việc ổn định hơn, bán bánh mì thì có lúc bán được, có lúc không. Không chỉ làm một việc mà bà còn làm rất nhiều việc khác, kiếm thêm thu nhập. Giờ kể lại ngoại còn đùa là bà còn rành những công việc đó lắm. “Cuộc sống lúc đó cũng rất vất vả, không phải đất quê nhà mình, phải làm lụng suốt ngày mới đủ tiền mua mọi thứ”. Dù cuộc sống khốn khổ nhưng trong nhân dân luôn ủng hộ Cách mạng, vô cùng căm thù bọn cướp nước, bán nước tàn ác.

Nguyễn Trọng Nghĩa. Học sinh lớp 12 
Trường PTTH Chuyên Hùng Vương, Bình Dương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.