Ảnh: sưu tầm Internet |
Khung cảnh đờn ca
Trước hết, tôi cần phải giải thích nguyên do nào để tôi được tham gia vào buổi sinh hoạt này. Đó là nhờ công sắp xếp của vị chủ nhà của tôi, ông Hòa. Ông 57 tuổi, là ông của bốn đứa cháu nội ngoại đầy đủ, một người hòa nhã với hàng xóm, bạn bè, và có tiếng trong giới tài tử cả nước. Sau khi bị tai nạn, ông không đứng ra tổ chức đờn ca tài tử tại nhà nữa[2]. Nhưng bù lại, vốn là một nghệ sĩ nổi tiếng khắp miền Nam trong giới tài tử, học trò và đàn em của ông rất đông. Những buổi diễn của học trò ông thông thường diễn ra một lần mỗi tháng, hoặc vài ba tháng một lần. Sau rất nhiều lần sắp xếp không thành và do một số nhầm lẫn[3], cuối cùng ông cũng đã sắp xếp cho tôi đến dự được một buổi giao lưu đờn ca của một người học trò tên Phương. Anh Phương trước đây học bác ca tài tử, bây giờ anh không học nữa mà buôn bán ở chợ với vợ và sắm một bộ loa để đi show các đám tiệc. Bình thường ông Hòa không đến những buổi sinh hoạt như thế này. Ở cấp độ của ông, những người cùng đến hòa đàn hòa ca phải có trình độ cao hơn, hoặc phải là bạn bè cực kì thân thiết. Ông rất xem trọng việc người nghe có hiểu được tiếng đờn của mình không, có cảm và có bình luận được gì về ngón đờn, giọng ca hay không. Tuy nhiên, vì tôi đã đợi mãi và nhờ ông, nên lần này, đích thân ông liên lạc với học trò và đích thân bác dắt tôi đi. Tôi đi cùng với một người bạn của mình, hai chúng tôi được thầy trò ông chở đi bằng xe máy. Nhà anh Phương ở xã Tân Tây, cách nhà ông Hòa khoảng 7km, tức khoảng 30 phút đi bằng xe máy. Buổi biểu diễn bắt đầu lúc 19 giờ 30 phút. Trên đường đi, tôi cứ hình dung mãi trong đầu về buổi đờn ca này, giống như những buổi đờn ca tôi đã đọc trong các sách và hồi kí. Đó là một không gian tĩnh mịch, trong một khu vườn trước nhà, những con người quê chân chất bình dân ôm những cây đàn quây quần trên chiếc chiếu hay trên tấm phản, cất tiếng đàn, lời ca giữa đêm thâu. Sự thi vị đến từ tiếng đàn và từ bản thân sinh hoạt vì mục đích giải trí, nghệ thuật thuần túy của người dân nơi đây. Nhưng khi tôi đến nơi thì mọi ảo mộng tan vỡ. Hoặc có thể do tôi đã quá mơ mộng về khung cảnh trong những cuốn sách, những tài liệu mô tả mà tôi đã từng đọc. Buổi đờn ca và khung cảnh của buổi đờn ca này không diễn ra như thế. Nhà của anh Phương vốn là một quán nước[4], đồng thời là nơi ở nên mọi thứ được sắp xếp bừa bộn và không theo một trật tự nào. Quán nước ở vùng này cũng chỉ là một ngôi nhà lợp mái tôn, xung quanh vách lá đơn sơ. Quán được trang trí bằng những chiếc đèn màu phát ra thứ ánh sáng tù mù treo dọc theo mái hiên. Người ta lấy ba cái võng chăng trên những cây cột nhà để khách ngồi uống nước. Sàn nhà bằng xi măng, vì thế mọi người đều đi giày dép vào nhà. Ở giữa gian phòng là một dãy bàn nhựa màu xanh và một dãy ghế nhựa màu đỏ cho những người tham gia ngồi. Giường ngủ, vật dụng trong nhà, tủ lạnh, bàn thờ… lộn xộn và để chồng lẫn lên nhau. Ở góc nhà có năm thùng loa lớn được xếp chồng lên nhau, cao gần chạm đến nóc, phát ra thứ âm thanh lớn đủ để biểu diễn cho một buổi tiệc lớn, đi từ xa đã có thể nghe thấy tiếng đờn ca phát ra từ đây. Anh Phương dùng một bờ tường để làm sân khấu. Phông sân khấu là một miếng vải nho nhỏ căng ra trên tường, trên miếng vải dán dòng chữ “Vầng trăng cổ nhạc” cắt bằng mút sơn màu. Trên trần, ngay chỗ sân khấu treo một quả cầu xoay lấp lánh (hay còn gọi là đèn cầu xoay trung tâm), phía sau sân khấu là hai cái đèn màu chiếu thẳng lên cái đèn xoay để tỏa ánh sáng đủ màu chạy vòng vòng trên sân khấu. Những người tham dự ngồi trong một gian phòng như vậy. Họ đờn ca với nhau trong không gian tù túng giữa những bức tường, một không gian nửa truyền thống (với ngôi nhà theo kiểu quê, chiếu nằm, những bộ bàn ghế lụp xụp, bàn thờ ông bà, bàn thờ ông địa), nửa hiện đại (dàn loa, bộ đèn chiếu, sân khấu), nửa kinh tế (quán nước vẫn hoạt động và mọi người vào tham gia đều gọi nước uống), nửa phi kinh tế (chia sẻ đờn ca với nhau). Đúng ra, nó là buổi tự trình diễn cho nhau xem, hơn là trao đổi giữa những người cùng yêu thích loại hình nghệ thuật này.
(còn tiếp)
Tp.HCM, tháng 2/2012