Châu bản triều Nguyễn, Bảo Đại năm thứ 13 (1939) ghi lại chỉ dụ số 10, ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại 13 (1939) về việc chuyển đội hành chính đảo Hoàng Sa “Chiếu chỉ các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam-Ngãi; đến đời đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam-Ngãi. Chiếu chỉ nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại, viên đại diện chính phủ Nam triều ủy phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan đại diện chính trị bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn. Dụ (Độc khoản): trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành chính các thù lao ấy thuộc dưới quyền quan tỉnh hiến Tỉnh ấy” (Công báo, số 8, năm 1938).
(Ảnh: minh họa- Nguồn: Internet)
Trên cơ sở đồng thuận với chủ trương Nam triều, ngày 5.6.1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brevie ký nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Đồng thời, cho dựng bia chủ quyền tại đảo Hoàng Sa, với dòng chữ: “République Francaise – Empire d’ Annam – Archipel des Paracels 1816 – Ile de Pattle 1983”. (Cộng Hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa 1816 – Đảo Hoàng Sa 1938).
Từ năm 1816, liên tục, định kỳ hằng năm, nhà Nguyễn cho đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ thủy quân, việc cắm mốc chủ quyền, dựng bia Trường Sa (thời kỳ này Trường Sa và Hoàng Sa là một).
Nguồn sử liệu về những chỉ dụ của vua và hoạt động của thủy binh nhà Nguyễn được ghi chép tỉ mỉ, rõ ràng trong bộ chính sử Đại Nam thực lục chính biên là chứng cứ không thể phủ nhận về chủ quyền Việt Nam.
Đại Nam thực lục chính biên, quyển 52, phần viết về các đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị ghi sự kiện Gia Long chiếm các đảo Hoàng Sa (gồm cả Trường Sa) năm 1816, sự kiện Minh Mệnh cho xây miếu, dựng bia, trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo này năm 1836.
Chính hoạt động lần đầu tiên của thủy quân nhà Nguyễn đã đánh dấu mốc thời gian rất quan trọng về việc tái xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Dựa vào sự kiện này, những người phương Tây như Chaigneau, Taberd khẳng định vua Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Thời nhà Nguyễn, nhất là thời Minh Mạng, hằng năm thủy quân đều ra Hoàng Sa, Trường Sa để vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, và tiến hành các hoạt động khác trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… Lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền này là một “lực lượng đặc nhiệm” gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương trong đó có dân binh đội Hoàng Sa. Kinh phái- đứng đầu là thủy quân cai đội hay thủy quân chánh đội trưởng chỉ huy – hợp cùng với lực lượng thủy quân lấy trong vệ thủy quân đóng ở kinh thành ở cửa Thuận An (Huế). Ngoài thủy quân kinh phái còn có các viên giám thành trong vệ Giám thành, là những chuyên viên vẽ bản đồ. Tỉnh phái là các viên chức ở tỉnh Quảng Ngãi có nhiệm vụ phối hợp với kinh phái trong công tác hướng dẫn, cung cấp nhân công, lo xây dựng, đồng thời còn điều động dân binh ở tỉnh Quãng Ngãi. Có khi còn cả dân binh tỉnh Bình Định như trong các chuyến công tác năm 1835 và năm 1837. Nhiệm vụ của “lực lượng đặc nhiệm” luôn được Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị theo sát và ra chỉ dụ cụ thể. Điều này cho thấy đương thời các vua triều Nguyễn rất ý thức việc xác lập chủ quyền Việt Nam trên vùng biển đảo Trường Sa.
Trong quyển bốn của bộ Việt sử cương giám khảo lược được Nguyễn Thông biên soạn năm 1876, có đoạn viết về Trường Sa: “Vạn lí Trường Sa: Từ đảo Lý Sơn (tục gọi là Ngoại Lao, người Trung Quốc gọi là Ngoại La tức Cù Lao Ré) đi thuyền về phía Đông, ba ngày ba đêm thì đến. Nước Việt Nam ta ở buổi quốc sơ thường kén những đinh tráng hai hộ An Hải và An Vĩnh mà đặt đội Hoàng Sa để đi kiếm lượm những vật ngoài biển, hằng năm cứ tháng hai đi, tháng tám về. Bãi cát đăng từ phía đông mà sang phía nam, chỗ nổi lên chỗ chìm xuống, không biết mấy nghìn dặm. Ở trong có vũng sâu, thuyền có thể đậu được… ”.
Nguồn sử liệu khác ghi chép việc nhà Nguyễn đã xác định chủ quyền nhà nước Đại Nam tại vùng lãnh thổ này: Đại Nam nhất thống chí, quyển 6, đã ghi chép rằng trước năm Minh Mạng thứ 16, nhà vua sai quân lính ra dựng bia đá làm dấu đã thấy phía Tây Nam đảo có ngôi cổ miếu, không biết xây dựng vào thời đại nào và bia khắc bốn chữ: “Vạn Lý Ba Đình”. Như thế trước thời Minh Mạng đã có khắc bia, dựng miếu chùa rồi. Sách Đại Nam nhất thống chí, năm 1882, quyển 6, tỉnh Quãng Ngãi, phần Sơn Xuyên ghi: “Ở phía đông Lý đảo, huyện Bình Sơn, từ bờ biển Sa Kỳ chạy ra khơi, thuận gió, ba, bốn ngày đêm có thể đến. Trên đảo nhiều núi la liệt, tất cả hơn 130 ngọn, cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc vài trống canh. Giữa đảo có bãi Hoàng Sa (Cát Vàng), bề dài kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi Vạn lý Trường Sa, trên có giếng nước ngọt, hải điểu tụ tập nhiều, không biết bao nhiêu mà kể. Sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa…”
Những bộ quốc sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Việt sử cương giám khảo lược đã ghi chép tỉ mỉ, chi tiết những chỉ dụ của triều đình đối với việc khảo sát, đo đạc, mô tả, bảo vệ, khai thác Bãi cát vàng (gồm Hoàng Sa và Trường Sa). Triều đình, quan lại, binh lính- những người được triều đình cử đi làm nhiệm vụ “xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo rất thông hiểu về khí hậu, thủy văn, động thực vật trên quần đảo, chính vì vậy nguồn chính sử mới có những thông tin phong phú cho người đời sau hiểu về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Hiện nay, các nguồn tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa rất phong phú, đang đươc lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ quốc gia hay thư viện, tư gia của những nhà nghiên cứu, nhưng đông đảo người dân chưa hoặc không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp. Việc đưa những tài liệu quý này ra để trưng bày là hình thức thông tin hữu ích đầy ý nghĩa, điều đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền lãnh thổ đất nước. Rất cần nhiều cuộc trưng bày về biển đảo Việt Nam. Như thế, nguồn tài liệu này giúp tăng thêm sự hiểu biết về cương vực đất nước và lòng tự hào dân tộc, nhất là cho giới trẻ.
Trần Hạnh Minh Phương
Nguồn: Kỷ yếu Hội Thảo Khoa học văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa