Judson Box chưa bao giờ biết được con trai ông, Gary, đã chết như thế nào trong ngày 11/9/2001. Nhưng 9 năm sau, nhờ một phát hiện bất ngờ, ông đã có được tấm ảnh về đứa con thân yêu chỉ vài giờ trước khi anh mất.
Gary, khi đó 35 tuổi, làm việc cho cơ quan cứu hỏa Brooklyn, New York đã được 5 năm. Khi vụ tấn công khủng bố xảy ra, anh không kịp nói chuyện với bố, thi thể của anh cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Vì thế, cái chết của Gary mãi vẫn là một điều bí ẩn với gia đình.
Ngày 11/9/2009, chị gái của Gary là Christine tới trung tâm tưởng niệm của Bao tàng 11/9 và một nhân viên trung tâm hỏi chị xem có muốn tìm ai đó hay không. Christine nói về Gary, và người ta đưa cho chị xem bức ảnh một lính cứu hỏa trong đường hầm Brooklyn Battery Tunnel. Bức ảnh có chú thích mang tên Gary.
Nhưng đấy không phải là Gary. Người trong ảnh là Brian Bilcher, một thành viên trong đội cứu hỏa của Gary, và cũng mất tích hôm 11/9.
Việc phát hiện tấm ảnh khiến cha của Gary thêm động lực tìm kiếm tiếp, ông bám vào niềm tin chắc rằng ở đâu đó sẽ có một bức ảnh tương tự, để ông được thấy con mình.
Box đã lục tìm trong kho lưu trữ của Bảo tàng Quốc gia về 11/9 và các trang tưởng niệm khác, các trang này đều cho phép người sử dụng trực tiếp đăng lên các bức hình về ngày 11/9/2001.
Một đêm, sau khi đã miệt mài tìm kiếm 5 giờ đồng hồ, Box nhủ thiếp đi, kiệt sức về thể xác và đau thương về tình cảm. Sáng hôm sau, khi ông đang ăn sáng, vợ gọi ông sang phòng khách.
Bà cho ông xem một bức ảnh chụp một lính cứu hỏa đang chạy qua đường hầm Brooklyn Battery Tunnel, về phía hai tòa tháp, bên cạnh những ô tô đang mắc kẹt vì tắc đường hầm.
Trong ảnh là Gary.
“Tôi bần thần cả người, không làm chủ được mình nữa”, Box kể lại. “Ơn Chúa, vì cuối cùng tôi cũng tìm được gì đó về con”.
Sau đó Box liên lạc với Bảo tàng 11/9 để tìm kiếm người đã chụp bức ảnh con ông. Vài tháng sau, bảo tàng chuyển cho ông email của Erik Troelson, một doanh nhân người Đan Mạch bị kẹt trong đường hầm khi đang trên đường đi họp. Ông ấy đã chụp ảnh Gary.
Troelson vào đường hầm trước khi chiếc máy bay bị khủng bố đầu tiên đâm vào tòa tháp, ông không biết tấn thảm kịch đang xảy ra bên ngoài.
“Thốt nhiên, một cô gái ngồi trong xe phía trước mặt tôi òa khóc”, Troelson kể lại. “Chúng tôi bật đài lên và nghe thấy những gì đang diễn ra”.
Ngay sau đó, các xe cứu hỏa nối nhau phóng vút trong đường hầm, nhưng có một chiếc ô tô bị nổ lốp khiến giao thông tắc nghẽn. “Những chiếc xe to bị tắc lại, vì thế nhiều người xuống đi bộ qua chỗ chúng tôi”, Troelson kể. “Gary Box là một trong số đó”.
Cha của Gary và Troelson trao đổi thư từ nhiều lần. Và hôm thứ ba tuần này, Bảo tàng 11/9 đã bất ngờ thu xếp để hai người gặp nhau, trong một buổi quyên tiền của bảo tàng.
Hai người đàn ông chia sẻ những phút giây xúc động. Box bày tỏ lòng biết ơn người đã ghi lại khoảnh khắc gần cuối cùng của con trai mình.
“Tôi nghĩ tôi đã 300 lần cảm ơn anh và mong Chúa phù hộ anh, đó là tất cả những gì tôi có thể nói”, Box nói.