Định mệnh của chúng tôi – phần 2

0
837

20 giờ, tôi rủ INT02 cùng đi đến nhà CS030F với tôi. Con đường làng lát gạch nhỏ hẹp hơi khó đi nhưng cũng may là vẫn có đèn điện chiếu sáng. Lúc chúng tôi đến nhà CS030F thì cô đang nằm xem tivi cùng hai con, chồng thì đang ngồi uống nước. Thấy chúng tôi vào, CS030F ngồi dậy và nói chuyện với tôi.

Định mệnh của chúng tôi – phần 1

CS030F có thân hình hơi đậm, đôi mắt một mí, khuôn mặt dài và cái miệng hơi rộng. Tôi vừa cười vừa trình bày với cô lý do chúng tôi đến đây. Cô cười hơi gượng gạo rồi mời chúng tôi ngồi. Ánh mắt mà cô nhìn hai đứa chúng tôi khiến cho tôi có cảm giác đây là một người khá khó tính. Nghĩ vậy nên tôi đã bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi về công việc hàng ngày của cô.

Cô chia sẻ: trước đây tui có làm bên Hội phụ nữ của xã T.T, nhưng từ khi chia tách thì tui chuyển sang làm ở Mặt trận tổ quốc của xã T.L, và cũng nằm trong Ban thường vụ huyện. Vì công tác xã hội rất bận rộn nên tui không có thời gian tham gia các hoạt động trực tiếp của nhà thờ, mà chỉ đi lễ vào chủ nhật hay những người trọng đại.

– Tôi hỏi: thế trước đây công việc bên Hội phụ nữ có vất vả hay gặp khó khăn gì không ạ?

– “Mỗi việc thì có những thuận lợi và khó khăn riêng của nó. Hội phụ nữ là công việc chăm sóc đời sống cho giới nữ, tuyên truyền, vận động chị em làm theo những điều mà Nhà nước quy định, nhằm giúp cho chị em có được một cuộc sống tốt hơn, cho nên để làm đựơc điều đó là không đơn giản. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng, ở khu vực này, người dân còn nghèo nhưng có trình độ dân trí cao, và cao hơn rất nhiều so với những khu vực khác. Nguyên nhân là vì ở đây là những người gốc Bắc, vốn rất chăm lo cho con cái và truyền thống học hành, nên trong quá trình vận động chị em thì cũng không gặp gì khó khăn lắm”.

Tôi lại hỏi: “Theo cháu được biết thì bên Hội phụ nữ mình hay có những chương trình vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch, hay là triệt sản… nhưng hình như những điều đó lại là cấm kỵ bên Công giáo. Vậy trong quá trình thực hiện, cô có gặp khó khăn gì không?”.

CS030F đáp: Như tui đã nói, trình độ dân trí ở đây khá cao, nhất là các bạn trẻ hiện nay, tôi việc kế hoạch hoá không có gì khó khăn lắm. 10 năm trước đây, thì việc vận động kế hoạch hoá hay triệt sản thì quả thật vô cùng khó khăn, vì lúc đó nhận thức chị em còn thấp, và trong tâm lý vẫn còn những vướng mắc, lo sợ phạm vào tội này, tội kia. Nhưng trong những năm gần đây thì chị em đã hiểu ra nhiều và ủng hộ những kế hoạch của Hội phụ nữ. Việc bất đồng giữa một bên là chính sách xã hội và một bên là tôn giáo thì cũng không có tồn tại. Bởi trong kinh thánh cũng có dạy, sinh con ra mà không lo lắng được cho con bằng bạn bằng bè, không chăm lo, nuôi dưỡng cho nó tử tế nên người thì cũng là tội của người mẹ. Chúng tôi đã bám sát vào điều đó để vận động chị em, vì xét cho cùng thì mục đích cũng chỉ muốn tốt cho chị em phụ nữ, dù là bên Công giáo hay bên xã hội, cho nên mọi người đều có ý thức chấp hành, không còn sinh đẻ nhiều như trước. Họ cũng sợ mình không đủ khả năng để chăm lo cho con của mình. Trong quá trình thực hiện vận động hay tuyên truyền, thì cũng có sự phối hợp chặt chẽ với các chức sắc, linh mục. Thông thường thì sẽ phổ biến cho cha xứ và hội đồng giáo mục trước, sau đó sẽ nhờ cha xứ vận động người dân, vì ở đây toàn là người theo đạo, mình nói thì họ chỉ nghe 1 thôi, nhưng cha nói thì họ nghe 10, nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên sẽ giúp công việc thuận lợi và dễ dàng hơn.

Tôi lại hỏi cô: “Thế còn bây giờ khi chuyển sang làm Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc, cô có gặp những khó khăn gì không ạ?”

– Tất nhiên là cũng khó rất nhiều. Tui làm bên Hội phụ nữ được 18 năm rồi, chỉ chuyên đi chăm lo cho đời sống của giới nữ, còn Mặt trận tổ quốc thì chăm lo cho toàn dân, trong đó có cả nam, cả nữ nên cường độ công việc lớn hơn, và áp lực cũng hơn nhiều. Tui còn làm bên Ban thường vụ ở huyện nữa, nên thường xuyên phải đi lại, công tác, nói chung là bận rộn lắm. Còn trong quá trình hoạt động thì cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng do biết phối hợp với bên tôn giáo, nên nhiều vấn đề đã được giải quyết. Ở đây thì chính quyền và nhà thờ luôn có quan hệ qua lại với nhau, vì xét cho cùng, tất cả cũng chỉ muốn những điều tốt đẹp cho nhân dân, nên không có gì là mâu thuẫn trong hoạt động”.

CS030F trả lời câu hỏi của tôi một cách rành rọt, y như một nhà chính trị chân chính. Tôi có cảm giác như từng câu, từng từ cô nói với tôi như là một khuôn mẫu, một bài thuyết giảng đã được định từ trước, mà mỗi khi có ai hỏi, là lại “lôi” ra.

Tôi lại hỏi thêm: Theo cháu được biết thì cô cũng nằm trong giới hiền mẫu. Vậy cháu muốn hỏi có trường hợp nào mà những người Công giáo ở đây có gia đình, có con mà không tham gia giới hiền mẫu không ạ?

“Theo tui được biết thì không. Tất cả chị em có gia đình ở đây đều tham gia giới hiền mẫu cả. Tui chưa từng nghe nói hay biết trường hợp nào như thế”.

Tôi hỏi tiếp: Cháu nghe nói những người làm trong Hội đồng mục vụ, hay làm ông trùm, ban hành giáo… đều là nam giới. Vậy cô có khi nào mong muốn phụ nữ như chúng ta cũng được tham gia vào những tổ chức như vậy không?

“Từ trước đến giờ thì chưa bao giờ có trường hợp phụ nữ làm Chủ tịch hội đồng mục vụ, hay là có danh hiệu “bà trùm” (nếu có thì cũng chỉ là người ta gọi theo chức danh của ông chồng thôi). Tất cả những công việc đó đều do người đàn ông đảm trách. Nếu nói về mong muốn thì chắc hẳn ai cũng mong muốn mình được làm những công việc đó, cũng muốn mình được nằm trong một tổ chức lãnh đạo. Nhưng cái tư tưởng, cái truyền thống đặc biệt là những người gốc Bắc ở đây đã quá ăn sâu vào người phụ nữ, khiến cho họ dù muốn cũng không dám bứt phá để đứng lên. Tui đi công tác rất nhiều, cũng tiếp xúc với nhiều người dân nữa, và tui biết có những người rất giỏi, thậm chí giỏi hơn đàn ông rất nhiều, nhưng họ vẫn không thể đứng lên lãnh đạo được, đó là một thiệt thòi cho phụ nữ”.

“Cô có nhận xét như thế nào về vị trí của người phụ nữ trong các tổ chức Công giáo, với vị trí của người phụ nữ trong các tổ chức chính quyền?”

“Vị trí của người phụ nữ ở trong hai tổ chức đều có sự khác biệt nhau rất lớn. Người phụ nữ Công giáo thì chỉ có thể làm bà quản, nhưng người phụ nữ ngoài xã hội thì có thể làm Chủ tịch nọ, Chủ tịch kia. Vị trí của người phụ nữ trong Công giáo vẫn còn bị hạn chế rất nhiều so với ngoài xã hội. Tuy nhiên có một điều mà tui cảm thấy rất tự hào, đó là đàn ông có thể lãnh đạo được ban này, ban kia, có chức vụ này, chức vụ kia cao hơn phụ nữ. Nhưng có một điều là đàn ông lại không bao giờ lãnh đạo được phụ nữ. Bằng chứng là từ trước cho đến nay, chưa từng có một người đàn ông nào làm Chủ tịch Hội phụ nữ. Trong giới phụ nữ thì phụ nữ vẫn nắm quyền, và không để cho đàn ông lãnh đạo. Phụ nữ chúng ta rất giỏi vì điều đó, và cũng đáng tự hào” . Nói đến đó, CS030F cười rất “hả hê” và sảng khoái.

Tôi quay sang hỏi CS030F về quan niệm nuôi dạy con cái, và cách mà tui nuôi dạy con cái hiện nay: “Mỗi người, mỗi gia đình dạy dỗ con cái theo một cách riêng và khó có cái gì là chuẩn mực. Nếu chúng ta sống trong một môi trường tốt, thì ta cũng dạy con cái mình theo những gì mình đã sống trong môi trường ấy. Còn nếu không tốt thì ta điều chỉnh để dạy dỗ những cái tốt hơn. Tui có một cái may mắn hơn những người khác là làm công tác xã hội, đi đây đi đó nhiều, có điều kiện tiếp cận với những cái hay, cái mới nên học tập và chọn lọc được nhiều điều để dạy dỗ các con của mình và định hướng cho chúng những điều tốt đẹp hơn, tuy nhiên vẫn tôn trọng những ý nguyện riêng của nó. Điều này trước kia tui không hề có”.

[…]

Ngày 30 tháng 05 năm 2009

Hôm nay CS030F vẫn đang nằm dài trên chiếc ghế “đi văng” và đọc báo như những lần trước tôi đến. Thấy tôi cất tiếng chào, cô vội ngồi dậy, ngước nhìn tôi, mời tôi ngồi xuống, sau đó lấy nước cho tôi. Thật ra, mục đích của tôi hôm nay là đến gặp chồng CS030F, vì tôi nghĩ cô sẽ không có ở nhà vào thời điểm này, nhưng sự có mặt của cô cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến kế hoạch của tôi.

Tôi nhanh chóng đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề tội lỗi và quan niệm về thế giới bên kia với cô. CS030F trả lời: “Mỗi một con người ở bên Công giáo đều có một linh hồn. Nếu như trong thế giới này mình làm tốt thì khi chết đi, linh hồn sẽ được lên thiên đàng với Chúa. Nhưng nếu mình phạm phải những điều cấm kỵ, tức là mình mang tội như: vợ nọ con kia, không dạy dỗ con cái nên người, ăn cắp ăn trộm… thì khi chết sẽ bị xuống hoả ngục. Thế giới tâm linh cũng giống như thế giới hiện thực, làm sai thì sẽ phải chịu phạt, và hoả ngục đó cũng giống như một nhà tù để giam hãm, trừng phạt những người làm điều xấu. Ngay cả cha mẹ, nếu để con cái hư hỏng, không dạy dỗ chúng nên người thì cũng bị gánh trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đó không nặng bằng con, và cũng sẽ không bị trừng phạt giống như con. Khi đứa trẻ đã trưởng thành, thì việc chúng tự làm, sẽ tự chịu. Giống như bây giờ, con cái giết người thì chúng bị đi tù, chứ bố mẹ thì không. Bố mẹ chỉ chịu những tiếng đồn từ bà con hàng xóm”.

Tôi lại hỏi: “Vậy người Công giáo có tin vào một thế giới bên kia không ạ?” CS030F. trả lời: “Tất nhiên là tin, nhưng có sự khác biệt giữa các giới. Những “ông bà già” thì tin tuyệt đối, còn giới trẻ thì chỉ tương đối thôi. Chúng được học nhiều, hiểu biết nhiều nên thấy sai thì phản đối ngay lập tức”.

Tôi hỏi thêm: “Thế với riêng bản thân cô, thì cô có tin vào thế giới bên kia không?”

CS030F đáp: “Cô không tin. Cô tham gia công tác xã hội nhiều, được học hỏi nhiều, hiểu thêm nhiều điều thì việc có một thế giới bên kia không đủ sức thuyết phục cô. Lý do là: nước Việt Nam có 54 dân tộc. Nếu nói về đạo Công giáo thì có khoảng bảy triệu người, Tin lành khoảng hai – ba triệu, Phật giáo ba – bốn triệu. Nói chung, số người theo tôn giáo chiếm khoảng 1/3 dân số cả nước. Bên tôn giáo thì luôn tin rằng người chết đi sẽ lên thiên đàng, hoặc xuống địa ngục. Vậy còn 2/3 người không theo tôn giáo thì khi chết đi họ sẽ về đâu? Cho nên tôn giáo chỉ hướng con người sống sao cho tốt hơn thôi, chứ thật ra đã ai nhìn thấy thiên đàng hay địa ngục chưa? Chính cái môi trường tham gia hoạt động xã hội nhiều đã khiến cho cô có sự nhìn nhận khác như vậy, mặc dù cô là một người Công giáo”.

Tôi lại quay qua hỏi tiếp: “Bản thân cô là một người Công giáo và mặc dù cô không tin về một thế giới bên kia, nhưng cô có những cảm nhận như thế nào khi tham gia một nghi thức tôn giáo?”

CS030F trả lời: “Dù nói thế nào thì cô vẫn là một người theo đạo. Cũng giống như các giáo dân ở đây, cô có một niềm tin và tình yêu vào Chúa. Tất cả những điều Chúa dạy đều mong muốn cho con người sống tốt đẹp hơn. Cho nên khi tham gia các nghi lễ vòng đời, cô luôn cảm thấy có một sự vinh dự và tự hào to lớn. Khi chuẩn bị cho lễ xưng tội lần đầu, cô đã phải học hết một cuốn giáo lý rất dày. Sau đó cũng phải trải qua các kỳ Kểm tra, nếu vượt qua được hết thì mới được tiến hành lễ xưng tội. Giống như mình đi học vậy cháu, nếu học dốt thì phải ở lại lớp, nếu vượt qua được thì mới được lên lớp cao hơn. Trong Công giáo cũng thế. Nếu qua được kỳ Kểm tra thì mới được làm lễ xưng tội, còn không thì dù có bao nhiêu tuổi cũng vẫn không được làm lễ. Nên hồi đó cô nhớ là mình đã cố gắng rất nhiều. Và trong khi học giáo lý, nó giống như một sự say mê, chứ không phải học như một nghĩa vụ giống bọn trẻ học ở trường bây giờ. Khi được cha làm lễ cho thì cô thấy tự hào lắm. Vì cảm giác những tình cảm mà mình dành cho Chúa, những cố gắng học bao nhiêu điều trong giáo lý đã được đền đáp nên vui sướng vô cùng. Còn những nghi lễ sau này như lễ trưởng thành, hay là hôn phối thì cô cũng có chung những cảm giác như vậy. Vinh dự và tự hào”.

TRÍCH NHẤT KÝ ĐIỀN DÃ

Ghi chép dài tài hoàn chỉnh

Cộng đồng: CS03, Cái Sắn, Cần Thơ

Thời gian: 0520/05/2009 đến 30/05/2009

N.T.D

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.