Bên rìa hòa bình là tên một phóng sự ảnh của phóng viên chiến trường nổi tiếng Larry Burows đăng trên tạp chí Life năm 1968. 42 năm sau, con trai, con dâu và cháu nội của Larry Burrows đã có cuộc gặp với nhân vật chính của Bên rìa hòa bình tại Tây Ninh.
Larry Burrows đến VN năm 1962, rất sớm so với thời kỳ các phóng viên phương Tây đua nhau đổ bộ đến Sài Gòn máu lửa của những ngày chiến tranh. Những bộ phóng sự ảnh của ông về gương mặt của cuộc chiến tàn khốc liên tục xuất hiện trên tạp chí Life và đem lại những cơn bàng hoàng cho người dân Mỹ về cuộc chiến mà họ đang tham dự ở cách đó một bán cầu.
Bà Nguyễn Thị Tròn (áo hoa) cùng với con trai, con dâu và hai cháu nội của Larry Burrows – Ảnh: Lan Phương
Những bức ảnh dịu dàng giữa cuộc chiến khốc liệt
Những câu chuyện được kể bằng hình ảnh của Larry Burrows đã đưa ông trở thành huyền thoại. Ông ở sát sườn những cuộc giao tranh, xoáy sâu vào gương mặt đau đớn của những người lính Mỹ trong thương vong, lột tả sự tuyệt vọng và mệt mỏi của họ sau hàng giờ trên không với súng máy và trực thăng. Ảnh của Larry Burrows là một phần lớn câu chuyện chiến tranh VN mà thế giới biết đến hồi đó. Tạp chí Life như trở thành “phong vũ biểu” đo cường độ cuộc chiến cả ở VN và cả trong tinh thần người Mỹ yêu hòa bình.
Nhưng ảnh của Larry không chỉ là máu, là thương vong, là súng ống, là những gương mặt kinh hoàng, chết chóc mà vào tháng 11-1968, trong ấn bản của tạp chí Life (bộ 65, số 19), Larry đã mô tả lại một cuộc chiến bé nhỏ không hề kém khốc liệt sau lưng những mặt trận bom đạn bằng phóng sự ảnh Bên rìa hòa bình. Bộ ảnh kể về một cô gái nhỏ ở một ngôi làng tên An Điền. Cô gái nhỏ tên Nguyễn Thị Tròn khi ấy 12 tuổi, mất một chân bởi đạn bắn ra từ một chiếc trực thăng khi cô đang đi hái rau. Tròn đã được đưa lên thành phố để người ta giúp lắp một chân giả. Những bức ảnh Larry Burrows chụp là cảnh cô bé nhìn chiếc chân giả lạ lẫm, gắn thử nó vào, đi lại trước bạn bè. Ông bắt được những khoảnh khắc cô bé chơi lò cò với bạn, tập xe đạp, ngồi nhặt rau và lạc quan thích nghi dần với sự mất mát trên thân thể.
Sau khi bộ ảnh ra đời, bạn đọc Mỹ đã gửi tặng cô bé những món quà nhỏ. Còn Larry đã mua tặng Tròn một chiếc máy may, thứ xa xỉ phẩm thời đó, vì ông thấy cô bé hay giúp ba mẹ khâu vá bằng tay trong những giờ rảnh rỗi.
Năm 1971, cùng với các phóng viên ảnh đương thời như Henri Huet, Kent Potter, Keisaburo Shimamoto, Larry Burrows bay sang Lào để ghi nhận những giao tranh ở nơi này. Trực thăng gặp nạn, Larry vĩnh viễn nằm lại tại Viễn Đông xa xôi cùng với đồng nghiệp của mình.
Bìa tạp chí Life tháng 11-1968
Hình ảnh của ba thế hệ
Con trai Larry, Russell Burrows kể: “Ông không hoàn toàn bị nghiền nát bởi cuộc chiến. Ông cô đơn khi lao động, lúc nào cũng chỉ muốn xách máy ảnh và đi chụp một mình. Bạn bè hay lo lắng vì sự độc lập đó của ông. Ông chưa bao giờ nói với tôi hay mẹ về sự nguy hiểm ông gặp phải. Ông đã trở về an toàn quá nhiều lần và cả gia đình chúng tôi gần như đã quên sự nguy hiểm đó”. Khi Larry tử nạn, Russell chỉ mới 22 tuổi và đang học đại học tại Los Angeles.
Năm 2000, lần đầu tiên Russell đưa con gái là Sarah Burrows đến Sài Gòn. Trong tay họ là những hình ảnh của cô gái gắn chân giả và mỉm cười bước những bước kỳ diệu đầu tiên. Chỉ có duy nhất trong tay một địa danh Phước Bình, Russell và Sarah bắt đầu hành trình đi tìm lại cô Nguyễn Thị Tròn của cha và ông nội mình. Những ngày đầu trôi qua vô vọng, Sarah nhớ lại: “Không tiếng Việt, không địa chỉ, chúng tôi cứ đi hết từ làng này đến làng khác ở Tây Ninh và hỏi”.
Vào những ngày cuối cùng của chuyến đi, Russell và Sarah lần đầu tiên vào dinh Độc Lập, đi xuống hầm ngầm và nhìn thấy tấm bản đồ năm 1970. Chính ở đó họ tìm thấy Phước Bình ở Dương Minh Châu, Tây Ninh. Sarah tìm được một tài xế kiêm phiên dịch. Khi nhìn bức ảnh trên tạp chí, anh ta tỏ ra bất hợp tác. Russell kể lại: “Mãi một lúc trò chuyện, chúng tôi mới biết anh ta tưởng tôi là con của một phi công bắn súng máy làm hư chân cô Tròn, bây giờ quay lại chuộc tội. Chúng tôi phải giải thích câu chuyện từ đầu cho anh ấy hiểu”. Đó cũng là người đã tường tận theo hai cha con họ tìm được nhà cô Tròn, một mái nhà vách nứa nằm sâu trong ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.
Ngày 1-5-2010, cô Tròn có nụ cười dịu hiền ngày nào òa khóc như một đứa trẻ, ôm chầm lấy Sarah. Bà khóc: “Trời ơi 10 năm, tôi nghĩ cô quên tôi rồi chứ”. Cứ thế, nước mắt bà chảy ràn rụa. Sarah ôm bà vào lòng và nức nở: “I never forget you” (Con không bao giờ quên cô cả!). Sarah tưởng như mái nhà của bà Tròn hôm nay cũng là mái lá năm 2000 cô đến thăm và được bà bổ quả dừa cho uống. Cô vẫn thấy bà ngồi với cái máy may, miệt mài từng nét chỉ đường kim. Cô sờ nắn bàn tay bà, vuốt ve mái tóc bà. Bà Tròn ngượng ngập nắm tay Russell. Ông cúi chào bà rồi hạnh phúc giới thiệu: “Đây là vợ tôi, người đã biết đến bà từ trước khi gặp bà rất lâu, qua những bức ảnh mà cha Larry của tôi đã gửi về Life hồi xưa”. Hai người đàn bà ôm nhau trọn vẹn như một vòng tay chưa bao giờ được kết nối giờ thành ấm áp đến mức khó thể rời xa.
Gìn giữ ký ức
Russell đi trong vườn nhà bà Tròn và nhớ lại: “Nhìn này, cây dừa vẫn ở đây. Khi còn sống, cha tôi mang những bức ảnh của cô Tròn về nhà, kể chuyện về cô. Khi ông đưa bức hình Tròn di chuyển bước đầu tiên bằng cái chân giả, ông đã không kìm được nước mắt. Tròn là một cô gái đặc biệt trong cuộc đời ông. Vì thế mà chúng tôi phải tìm gặp cô để nối lại những khoảng hẫng và gìn giữ ký ức của cha”.
Bà Tròn, 55 tuổi, vẫn kiếm sống bằng nghề thợ may với chiếc máy may mà Larry Burrows đã mua ở thành phố về tặng bà. Bà lặng đi: “Ngày ấy ông Larry thấy tôi tật nguyền mới cho tôi máy may, cho tôi tiền đi học may. Đó là nghề mưu sinh mà ông tặng cho đời tôi. Tôi không bao giờ muốn bỏ nó”.
Bà Tròn vẫn còn nhớ như in những ngày Larry từ Sài Gòn chạy xuống, hét lên: “Tròn!” và lao tới ôm chặt lấy bà. Làm sao mà quên được khi suốt nhiều tháng ròng rã, Larry Burrows đã đưa đứa bé bị hỏng một chân vì dính đạn từ trực thăng ấy lên xuống trung tâm chỉnh hình ở Sài Gòn để hoàn thiện cái chân giả. Larry hạnh phúc nhìn bà tập đi, đỡ bà khi ngã, hạnh phúc nhìn bà chạy nhảy tập tễnh với bạn bè.
Năm 1971, trong một lần có dịp về Sài Gòn, bà lơ ngơ ghé đến văn phòng của Life, tìm ông Tây chụp ảnh của mình. Bà lặng lẽ bụm miệng khóc khi biết tin ông tử nạn ở Lào, không tìm thấy thi thể.
Cô gái Sarah ôm chặt lấy bà khi nghe bà kể lại những lần ông nội Larry đến chơi. Cô mỉm cười, mắt ngấn nước: “Khi tôi ôm bà Tròn, tôi thấy như mình được kết nối với ông nội. Khi tôi chụp hình bà, tôi cảm thấy mình gần gũi ông biết bao nhiêu”.
Ngày hội ngộ sau 35 năm kết thúc chiến tranh VN, bà Tròn nước mắt lã chã rơi khi nhìn lại nụ cười tươi rói đầu tiên của mình lúc gắn thử chiếc chân giả vào cơ thể, những bức ảnh trên tạp chí Life mà giờ đây bà mới được thấy, khi những con cháu của Larry Burrows lặn lội sang tận đây để tặng bà bộ ảnh này. Bà nghẹn ngào thốt lên: “Trời ơi, họ đâu có quên tôi đâu”.
Larry Burrows – ở đâu đó trong hơi thở hòa bình ngày hôm nay của VN – chắc cũng vui nhiều lắm…
Larry BurrowsĐám tang trọn vẹn sau gần 40 năm
Larry Burrows là phóng viên thường trú của tạp chí Life tại châu Á. Ông nổi tiếng vì nhiều bộ ảnh độc đáo như Cuộc ra trận của Yankee Papa thể hiện sự mệt mỏi và tuyệt vọng của một người lính Mỹ bắn tỉa trên trực thăng. Larry có mặt ở hầu hết các chiến trường khốc liệt tại VN bấy giờ. Năm 1971, Larry Burrows cùng ba nhà báo khác bay sang Lào bằng trực thăng và tử nạn sau khi máy bay nổ tung. Cách đây ba năm, những người bạn của ông tổ chức một cuộc tìm kiếm và tìm được một số di vật của ông tại nơi xảy ra vụ máy bay nổ. Gia đình đã tiếp tục cuộc tìm kiếm tại đó, và mãi đến cách đây một năm rưỡi mới tiến hành nghi lễ an táng trọn vẹn.
Bà Tròn trong cuộc gặp gỡ cảm động với con và cháu của phóng viên xấu số Larry Burrows vào ngày 1-5 tại Tây Ninh – Ảnh: Lan Phương
Nguyễn Thị Tròn – một nạn nhân của chiến tranh – chơi lò cò bằng chiếc chân giả. Bức ảnh này xuất hiện trong phóng sự ảnh Bên rìa hòa bình của Larry Burrows năm 1968 – Ảnh: Lan Phương
Sức sống của con người VN thật mãnh liệt: những nụ cười của bé Tròn năm 1968 và của bà Tròn 32 năm sau Ảnh: Larry Burrows – sarah burrows
Ông Russell, con trai Larry Burrows, gửi tặng bà Tròn những tấm ảnh của cha mình – Ảnh: Lan Phương
Tròn đang làm quen với chiếc xe đạp – Ảnh: Larry Burrows
Một thoáng trầm tư của Tròn khi nghĩ về tương lai với một phần thân thể bị mất mát bởi chiến tranh – Ảnh: Larry Burrows
Bà Tròn qua ống kính của Sarah – cháu gái Larry Burrows
Cô bé Tròn 12 tuổi vịn vào bờ vai của mẹ để tập đi bằng chiếc chân giả – Ảnh: Larry Burrows
Lan Phương
Nguồn: Tuổi Trẻ