Bây giờ là hơn nửa thế kỷ kể từ ngày ở thành phố Sài Gòn hình thành một trường Đại học Văn khoa. Cứ tha thẩn tìm đi, tìm lại dòng lịch sử trầm luân, nào đâu dấu xưa, vết cũ, nào đâu thuở trước, thời nay?
Lần giở lại đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của Khoa Lịch sử năm 2008, trang 20-21 cho biết: Từ ngày 4 tháng Giêng năm 1950 ở Việt Nam đã có một trường Đại học Văn khoa ra đời tại Hà Nội (Nghị định số 1-NĐ/GD). Sau đó, nhất là trước khi đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, một bộ phận giáo chức và sinh viên của Đại học Văn khoa Hà Nội đã vào Sài Gòn, để cùng với số giáo chức và sinh viên lớp Dự bị Văn khoa Pháp ở đây tiếp tục học tập, hình thành bộ phận Văn khoa Sài Gòn khoảng từ cuối năm 1954 đến 1955.
Tìm lại tài liệu ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, thấy đăng trên Công báo của Chính quyền Sài Gòn bản Nghị định số 66-GD/NĐ của Bộ Quốc gia giáo dục ngày 6 tháng Chạp năm 1955, Đại học Văn khoa sáp nhập vào Viện Đại học Quốc gia Việt Nam. Như thế, từ nguồn gốc đại học Văn khoa ở Hà Nội năm 1950, đến ngày 6 tháng Chạp năm 1955 đã có một đại học Văn khoa mới tại Sài Gòn làm thành viên của Viện đại học Quốc gia Việt Nam. Sau đó Sắc lệnh số 45/GD của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 1 tháng Ba năm 1957, Viện Đại học Quốc gia Việt Nam được đổi thành Viện Đại học Sài Gòn. Từ đây Đại học Văn khoa chính thức mang tên Đại học Văn khoa Sài Gòn, thuộc Viện Đại học Sài Gòn.
Lời kể của Nhóm Văn Khoa trong Tạp chí Văn Khoa (Khảo luận, phê bình, dịch thuật) số Đinh Tập năm 1975 cho hay, buổi đầu cả trường Văn khoa chỉ có 5 ban (Việt-Hán, Anh văn, Pháp văn, Triết học, Sử-Địa), sau đó phát triển thành 8 ban (1962), 10 ban (1970). Sau giải phóng xây dựng mới 5 Bộ môn-khoa, đến năm 1985 có 12 khoa/bộ môn trực thuộc, năm 2011 có 26 khoa/bộ môn trực thuộc với 56 chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Lại xem một khóa luận tốt nghiệp của sinh viên ngành Lịch sử Việt Nam khóa 2001-2005 thấy thống kê về 8 vị Khoa trưởng (Hiệu trưởng) Đại học Văn khoa Sài Gòn (gồm: Nguyễn Đình Hòa – Ph.D Đại học New York; Nguyễn Huy Bảo – Cử nhân văn chương Đại học Sorbonne; Nguyễn Đăng Thục – Giáo sư Văn chương; Nguyễn Khắc Hoạch – Tiến sĩ Quốc gia Đại học Sorbonne; Nguyễn Văn Trung – Tiến sĩ Triết học Đại học Louvain; Lê Trung Nhiên – Tiến sĩ, Đại học Sorbonne; Bùi Xuân Bào – Tiến sĩ Quốc gia Đại học Sorbonne, chuyên gia Pháp ngữ; Lê Thành Trị – Tiến sĩ Triết học Đại học Fribourg). Khi chuyển thành Đại học Văn khoa thành phố Hồ Chí Minh và hợp thành Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học của nhiều ngành khoa học đã giữ cương vị người đứng đầu nhà trường – Hiệu trưởng (như Phan Hữu Dật – Giáo sư Dân tộc học; Lý Hòa – Anh hùng lao động, Giáo sư Vật lý học; Nguyễn Ngọc Giao – Giáo sư Vật lý học; Nguyễn Quang Điển – Phó giáo sư, Tiến sĩ Triết học, thành viên Hội đồng lý luận Trung ương; Ngô Văn Lệ – Giáo sư, Tiến sĩ Dân tộc học; Võ Văn Sen – Phó giáo sư, Tiến sĩ Sử học). Hơn nửa thế kỷ, có 14 vị đứng đầu nhà trường, không chỉ là gạch nối các thế hệ, mà còn là những bánh xe răng cưa khởi động cho cả một hệ thống bánh xe các loại của chiếc đồng hồ chạy nhịp thời gian.
Bây giờ nhìn lại hai thập niên chiến tranh của thế kỷ trước, vẫn còn đây dấu tích dãy A và dãy K của mái trường xưa, giảng đường cũ, vẫn còn đó những con người thời đi học, buổi đấu tranh trong vùng “tam giác sắt” giữa đô thành. Mái tóc bàng bạc kỷ niệm của Huỳnh Như Phương (Khoa Văn học và Ngôn ngữ), Nguyễn Văn Huệ (Khoa Việt Nam học), Thành Phần (Trung tâm Đông Nam Á), Võ Văn Nhơn (Khoa Văn học và Ngôn ngữ), Trần Tịnh Đức (Phòng Đào tạo)… như đang lẩn khuất trong nhiều lớp tóc các thế hệ đồng hành mấy thập niên qua.
Bây giờ nhớ lại Mùa xuân đại thắng 1975, vẫn như thấy cái náo nức của ngày giải phóng và thống nhất non sông; đó cũng là cột mốc mở ra cho Đại học Văn khoa sức vóc thanh niên đẹp như chàng trai Phù Đổng thời giải phóng. Những lớp sinh viên Văn khoa “đến trường trong bộ quân phục màu xanh” thuộc khóa đầu của Đại học Tổng hợp ngày ấy, nay cũng là “cầu thủ ngoại hạng” cả rồi. Những lứa 8X, 9X từ “bốn phương trời ta về đây chung vui” và học tập, nay đang rắn rỏi lập nghiệp… Gần bốn thập niên rồi với bốn chục khóa sinh từ đây bay đi khắp mọi miền Tổ quốc, hàng vạn nam thanh nữ tú mang tri thức “Ông cử, Bà cử”, để đi tới với “Hai cánh tay như hai cánh bay lên – Ngực dám đón những phong ba dữ dội – Chân đạp bùn không sợ các loài sên” (Tố Hữu – Mùa thu mới).
Hơn một thế kỷ trước, năm 1906 tại Hà Nội đã xuất hiện cụm từ “Đại học Đông Dương” ở xứ thuộc địa này rồi. Năm 1907 cũng tại Hà Nội lại xuất hiện trong thực tế một trường Đông Kinh nghĩa thục định vị vai trò của giáo dục trong công cuộc duy tân tự cường và phát triển của dân tộc. Những cuộc cải cách giáo dục được tổ chức thực hiện năm 1908 và 1917 đã khai thông một nền giáo dục tân học và hội nhập ở Việt Nam. Bước vào năm giữa thế kỷ XX (1950), nền đại học Việt Nam càng thấm nhuần một triết lý khoa học khi bắt đầu nhận rõ sự cần thiết các giá trị nhân văn của văn minh phải được truyền bá cho xã hội phát triển.
BCHLC Đoàn trường ĐH Văn khoa Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11-1975, bây giờ có người là giáo sư khoa Văn học & Ngôn ngữ, có những người chẳng nhớ là ai.
Sự thành lập Đại học Văn khoa ở Hà Nội ngày ấy đã khai mở nhu cầu phát triển của Khoa học xã hội và nhân văn, để 10 năm sau những trường đại học và những ngành khoa học theo hướng đó vươn ra cả nước, bất kể tình trạng chia cắt và chiến tranh… Nền thống nhất quốc gia và yêu cầu phát triển, hội nhập từ nửa cuối thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay, đã và đang tạo ra nhu cầu mới, động lực mới, cách thức mới cho Khoa học xã hội và nhân văn; các đại học mang tên lĩnh vực ấy hay có ngành/chuyên ngành thuộc lĩnh vực ấy đều có một cơ hội phát triển dài lâu cùng đất nước.
Điểm qua và nhìn lại, giật mình vì đã hơn nửa thế kỷ trôi qua trên mái trường đại học. Đời người bước vào tuổi tri thiên mệnh trở nên ngắn ngủi, nhưng ngôi trường tồn tại phát triển hơn nửa thế kỷ trở nên sung sức, phong độ, đủ độ chín, đủ tầm cao. Cứ nghĩ đến một thành phố phương Nam làm cửa ngõ cho đất nước vươn mình trong thời gian tới, lại muốn ngắm nhìn thêm bản quy hoạch ngôi trường hiện đại đang trưng bày ở phòng họp A001do cơ quan thiết kế nào đó tặng trường làm quà Xuân.
Bây giờ hay nói đến tầm nhìn và sứ mệnh, lại hay nói đến cơ hội và thách thức. Khoa học xã hội và nhân văn phải làm quen với những khái niệm này để đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy thời đại; nhưng với đội ngũ khoa học của Nhà trường hiện có 37 Giáo sư, Phó giáo sư với 145 tiến sĩ, những khái niệm đang trở nên quen thuộc ấy có ý nghĩa gì? Chỉ biết rằng, họ đã và đang phải đảm đương tiến trình phát triển của nhiều khối khoa học thuộc nhiều lĩnh vực KHXH, KHNV ở phía Nam với hàng ngàn người theo học mỗi năm. Cập nhật vào website của trường thời điểm 2011, thấy con số 34.000 người đang theo học, ai cũng trầm trồ và nhẩm tính. Nếu chia số lượng ngày càng đông như thế, cho một hữu hạn các nhà khoa học như trên, sẽ có một tỷ lệ rất to và rất ngại. Đại học thì phải nghiên cứu, trường đại học phải là Trung tâm nghiên cứu, nhưng số đề tài từ cấp cơ sở trở lên càng cao càng giảm; chia đầu người lại càng thấy khó coi đến bất ngờ. Như thế chưa thể tự tin nhiều về thực tại, chưa đủ cơ sở chắc chắn lạc quan cho tương lai, chưa vội yên lòng người trong cuộc thích hoài niệm, hoài nghi.
Song cũng không nên bi quan về các con số, bởi nó chỉ muốn nhắc nhở về một hiện trạng đang được nhận thức để thay đổi. Có thể cần phải một vài chiến lược phát triển trung hạn nữa mới có chuyển biến thực sự, nhưng đội ngũ hơn 800 người ở 59 phòng-ban-khoa-trung tâm của nhà trường đang cùng một hướng đi tới, chắc chắn những mục tiêu phấn đấu sẽ đến gần với tầm tay chúng ta hơn.
Bây giờ nhìn lại chặng đường đã qua để nhìn tới ngày mai. Có một thời hào hùng để mỉm cười khi nghĩ về quá khứ; có một lịch sử bề thế làm vốn liếng hãnh tiến; có một vị thế khoa học xứng đáng ở nửa nước phía Nam; có một đội ngũ dày dặn kinh nghiệm làm thế mạnh và sức mạnh tiềm tàng; có một hệ thống đồng bộ làm điều kiện phát triển…
Dù thế, sẽ vẫn chưa đủ cho một hành trình đi tới nếu còn thiếu những con người là thần dân đất Việt có tấm lòng yêu nước và nhân ái, biết tự hào về giang sơn gấm vóc, biết tham vọng về giàu mạnh cho Tổ quốc con Lạc cháu Hồng. Bởi đây là trường Văn khoa xưa – Khoa học xã hội và nhân văn nay, cần lắm lắm “Lương sư hưng quốc” với những người thầy có tâm và có tầm, có triết lý Thế – Tình – Tâm để đào tạo những lớp người “hiền tài” làm “nguyên khí” cho quốc gia và xã hội có nhân văn.
Bây giờ đi giữa sân trường lát gạch đinh đỏ thẫm dưới bóng cây viết xanh thay cho những gốc phượng hồng, nhìn những hàng ghế đá mài mang tên các tập thể cá nhân gửi về làm kỷ niệm thay cho hàng cột thấp có dây xích sắt bao quanh, ngắm mấy tòa nhà cao tầng cũ, mới quây quần… Thế mới thấy thời gian làm thay đổi nhanh cảnh vật; và bên trong ấy là lịch sử hơn nửa thế kỷ thăng trầm của một Đại học lớn đã trôi qua, đan xen vào đó những hy vọng về một tầm thế lớn đang tới.
Tháng Ba, 2012
Hà Minh Hồng
(Nguồn: Bản tin Xã hội Nhân văn, số 43)