Tìm thấy mộc bản khắc Chiếu dời đô cổ nhất

0
807

Trung tâm lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt) vừa tìm thấy mộc bản khắc nguyên văn Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ. Đây là lần đầu tiên bản khắc của văn bản này được tìm thấy.

Trước đó, các nhà nghiên cứu chỉ tiếp cận nội dung của bức Chiếu dời đô qua sử liệu, chứ chưa được đọc trực tiếp.

Theo bà Phan Thị Huệ, Giám Đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV: “Trung tâm vừa tìm thấy mộc bản khắc nguyên văn Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn trong khối mộc bản triều Nguyễn”.

Đây là bản khắc chữ Hán ngược, khuôn khổ in 20 x 29,5cm. Toàn bộ Chiếu dời đô gồm 214 chữ (không kể phần chú thích), được bố cục rất chặt chẽ, lời văn khúc chiết, đầy sức thuyết phục.

Bản gốc Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010 trong khối mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV. Ảnh: Lưu Quỳnh.

Cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang tìm cách xác định mộc bản này có từ thời Lê (năm 1679) hay từ thời Nguyễn (khoảng 1802 đến 1807).

Cách đây 1000 năm, sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, đổi tên thành Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay. Đây là sự kiện trọng đại trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Bản rập mộc bản Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ trong Đại Việt sử ký toàn thư. Ảnh: Lưu Quỳnh.

Vua Lý Thái Tổ đã đưa ra một vài ví dụ xưa, chứng minh sự dời đô của các vua Trung Hoa đã đem lại sự phồn thịnh cho đất nước này. Mục đích và lợi ích của việc dời đô của các vua Trung Hoa là: “Mưu nghiệp lớn, chọn ở nơi chính giữa, dựng kế cho con cháu muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới kính ý dân, nếu có chỗ tiện lợi thì dời đổi, cho nên vận nước dài lâu, phong tục giàu thịnh”. Đồng thời xem xét, phân tích vị trí thành Đại La… Với cách lập luận sắc sảo, Chiếu ban ra đã thu phục được lòng người, quần thần trên dưới nhất mực tuân theo.

Nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm dự kiến trưng bày các bản gốc và bản rập mộc bản Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, mộc bản nói về vua Gia Long đổi quốc hiệu Việt Nam (năm 1804), phục vụ cho việc tham quan và nghiên cứu của du khách.

Lưu Quỳnh
Nguồn: vnexpress.net

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.