Đây là một hồi ký về báo chí của cá nhân tôi. Không có gì phải trình bày thêm, bởi tôi đã cố gắng ghi lại nét chính hoạt động báo chí của mình.
Kỳ 1: Tháng ngày trôi dạt
Kỳ 2: Bước vào lò luyện thép
Kỳ 3: Người tù ở bót Catinat
Kỳ 4: 200 ngày mất tự do
Chưa bao giờ tự cho mình là nhà báo chuyên nghiệp, tôi vẫn xem báo chí là trận địa mà tôi ưa thích và viết báo với tất cả hứng thú sẽ cùng đi với tôi đến khi tôi không còn viết được nữa
Làm chủ bút Nhân Dân Miền Nam
Một ngày cuối năm 1951, tôi được Thường vụ Trung ương Cục gọi đến. Cơ quan tôi – Đoàn Thanh niên cứu quốc Nam bộ – đóng trên kinh Mười Phải, gần Rau Dừa (thuộc Cà Mau), còn Trung ương Cục đóng ở hạ lưu sông Đốc. Anh Nguyễn Văn Kỉnh, thường trực Trung ương Cục, trao cho tôi quyết định thay anh Lưu Quý Kỳ làm chủ bút tờ Nhân Dân Miền Nam, anh Kỳ thay anh Nguyễn Văn Nguyễn làm giám đốc Sở Thông tin, anh Kỉnh – chủ nhiệm tờ báo – chẳng nói thêm với tôi điều gì dù quyết định này hoàn toàn bất ngờ đối với tôi.
– Vậy các công việc mà tôi đang phụ trách thì sao?
– Chú mày kiêm nhiệm!
Anh trả lời dè sẻn như thói quen. Tôi biết anh từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp – thoát khỏi khám tử tù, anh tham gia Xứ ủy và trực tiếp phụ trách Thành ủy Sài Gòn thay anh Nguyễn Oanh. Bấy giờ tôi công tác ở Ngã Sáu nên gặp anh; anh rất ít nói.
Trong đầu tôi, việc bố trí công tác cho ổn là rất khó – tôi đang làm xứ đoàn trưởng Thanh niên Cứu quốc Nam bộ do đại hội bầu, vừa làm phó Ban dân vận, phó đoàn kiểm tra Trung ương Cục, phó Ban tuyên huấn. Trong các ngành đó, tôi gần như phải thường trực Đoàn Thanh niên cứu quốc và Ban tuyên huấn.
– Chú cho ra một tờ Tiểu Thuyết Nhân Dân và chịu trách nhiệm tờ Việt Xô…
Anh lạnh lùng ra lệnh.
Biết là không thể cựa được, tôi rời cơ quan Trung ương Cục với bao nhiêu lo lắng, sang chỗ anh Lê Đức Thọ. Bấy giờ, Đại hội Đảng đã họp ở Việt Bắc. Đảng ta ra công khai (sau thời gian “tạm giải tán” cuối năm 1945) với tên Đảng Lao động Việt Nam. Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy, gồm đồng chí Lê Duẩn, bí thư; Lê Đức Thọ, phó bí thư; Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh, ủy viên.
Nghe tôi trình bày, anh Thọ bảo: “Công việc thanh niên sẽ do cậu Nguyễn Văn Chí lo, nhưng cậu không được lơ là, còn các việc khác Trung ương Cục đã bàn, không thể thay thế được. Cậu có gặp anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) vẫn thế thôi. Cố mà làm!”.
Ra báo thì phải có nhà in. Trung ương Cục đã quyết định đặt nhà in Trần Phú – nhà in lớn nhất vùng giải phóng Nam bộ – dưới quyền sử dụng của tôi (nhưng không trực thuộc tôi về hành chính mà do Ban quản trị Trung ương Cục phụ trách).
Nhà in có cả chục máy to, nhỏ từ Pédale đến Yoda, hàng tấn chữ, có bộ phận cliché, một đội phát hành hùng hậu. Giám đốc nhà in là một đồng chí kỳ cựu – đồng chí Xích Hồng – và các cán bộ năng động. Nhà in Trần Phú tự túc hoàn toàn trong đời sống, vừa làm ruộng vừa chăn nuôi, chài lưới, mức sinh hoạt khá cao. Đã có máy điện cho sản xuất.
Tôi yên tâm được một bề. Còn tòa soạn? Thật gay. Trước đây, Nhân Dân Miền Nam ra hằng tháng, tôi chủ trương ra nhật kỳ. Đồng chí trưởng ban quản trị Trung ương Cục chỉ nói: “Tùy anh, song tôi không bù lỗ…”.
Làm sao đây? Tôi mời đồng chí Tô Hòa, bấy giờ là chánh văn phòng Thanh niên Cứu quốc Nam bộ, đồng chí Việt Hùng (Hùng Lý) bấy giờ là cán bộ trong Ban thiếu nhi của Thanh niên Cứu quốc, đồng chí Tô Dự, cán bộ Đoàn, họa sĩ, Nguyễn Hải Trừng và Nguyễn Văn Mười (học Đại học Mỹ thuật Hà Nội), tập hợp luôn anh Phùng Lượng (Khương Hữu Thành, cán bộ lâu năm của Đảng), Lê Văn Diệu (sinh viên)… cùng trao đổi, có anh Nguyễn Văn Chí và Cao Ngọc Thọ của Đoàn Thanh niên cứu quốc.
Rồi thì ban biên tập báo Nhân Dân Miền Nam cũng hình thành. Nhân Dân Miền Nam ra nửa tháng một kỳ, sau này, mỗi tuần một kỳ.
Tôi chuyên viết xã luận, bình luận.
Báo Nhân Dân Miền Nam kèm phụ san Tiểu Thuyết Nhân Dân. Tây đầu đỏ và Bên rừng Cù lao Dung của Phạm Minh Tày (Sơn Nam), Chiến đấu viên họ Trần của Việt Hùng (Hùng Lý) trong danh sách này. Việt Xô ra vài số, tôi chủ nhiệm, ký tên Trương Chí Công.
Các cán bộ của Nhân Dân Miền Nam rất vất vả. Bài vở xong, họa sĩ trình bày xong, phải chèo xuồng đến nhà in, cách cả ngày đường.
Chúng tôi quyết định “lấy thu bù chi”, hồi đó chưa có khái niệm kinh doanh. Nhân Dân Miền Nam xuất hiện trên các ngã ba sông, bán hẳn hoi. Nhà in phấn khởi và tòa soạn cũng “thơm lây”. Nhà in có đội hỏa tốc, báo ra lò là chèo cật lực đưa tận nơi – vùng giải phóng Tây Nam bộ rất rộng, gồm tỉnh Bạc Liêu (Minh Hải sau này), Sóc Trăng, Rạch Giá, Cần Thơ.
Tôi chủ trương: báo bán chứ không “kính biếu”. Do đó, nhuận bút cho các tác giả đạt mức “cacao, cà phê sữa, thuốc Cotab”! Vì báo tăng kỳ, vòng quay nhanh, phóng viên chạy “toát mồ hôi”.
Bài viết thay suy nghĩ
Sau 30-4-1975, với trách nhiệm thường trực Ban tuyên huấn Trung ương Cục, tôi liên quan chặt chẽ với báo chí thành phố. Công việc khá bề bộn. Cho Đài Truyền hình phát sóng, đưa Đài phát thanh Giải Phóng thay cho Đài Sài Gòn, Thông tấn xã Giải phóng thay Việt Tấn xã, xuất bản gấp tờ Giải Phóng rồi Sài Gòn Giải Phóng…
Do yêu cầu thúc bách, ngoài việc chỉ đạo tuyên huấn và báo chí ở Sài Gòn và Nam bộ, tôi phải viết hằng ngày cho các báo như Sài Gòn Giải Phóng, Đại Đoàn Kết, Văn Nghệ, Tin Sáng, Công Giáo & Dân Tộc, sau này, thêm Tuổi Trẻ, Công An. Đó là thời kỳ rất bận rộn.
Đầu năm 1977, trung ương điều động tôi ra Hà Nội. Bấy giờ sức khỏe của tôi rất xấu – xấu hơn lần phụ trách Đảng ủy Tiền phương Nam trong trận Mậu Thân mà tôi phải nghỉ gần một năm.
Ra Hà Nội, tôi được trung ương cho đi nghỉ ở Liên Xô, lúc trở về, vào Trường Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu bộ Tư bản của Mác tám tháng, lại đi nghỉ kết hợp chữa bệnh ở Hung và Đức.
Những khoảng xen kẽ giữa nghỉ và nghiên cứu này, tôi tranh thủ đi các nơi ở miền Bắc – gần như tôi đã đi hầu hết các huyện ở Bắc bộ, kể cả Mèo Vạc, Điện Biên, Hồ Ba Bể, Bản Trang, nhiều lần đi Vũ Thắng.
Tôi viết một số bài ký đăng trên báo Nhân Dân, một số bài thơ. Đây là cơ hội giúp tôi hiểu đất nước, con người ở một vùng rộng lớn mà từ bé tôi chưa tiếp cận. Đây cũng là cơ hội giúp tôi làm quen với mảng chủ đề quan trọng hàng đầu của nước ta mà trong quá khứ tôi chưa thạo – mảng kinh tế.
Tôi trở lại TP.HCM cuối năm 1978. Lúc này kinh tế nước ta gặp khó khăn gay gắt, thiên tai dồn dập, Pol Pot phá rối biên giới Tây Nam, vụ “nạn kiều” và sau đó chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc cùng chuyện “thuyền nhân” đẩy chúng ta vào chỗ khốn đốn. Tôi liên tục viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng và Tin Sáng các bài chống lại kẻ thù, động viên ý chí và tinh thần nhân dân.
Sau đó, tôi được chuyển sang Ban Dân vận trung ương. Công việc lại chẳng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, tôi không rời trận địa báo chí. Với trách nhiệm phụ trách thường trực Ban Dân vận trung ương, tôi đi lại nhiều và mỗi chuyến đi tôi ghi thành bài báo, phần lớn đăng trên báo Nhân Dân. Cũng vào thời gian này, tôi viết hai tiểu thuyết, đều in và chuyển thành kịch bản điện ảnh: Ván bài lật ngửa là kịch bản phim truyện dài hơi (8 tập) đầu tiên của điện ảnh nước ta.
Từ năm 1985, tôi không phụ trách, lãnh đạo, quản lý nữa mà chuyên viết và nghiên cứu. Tôi vẫn tiếp tục đi đây đó, bây giờ đi thêm nhiều nước.
Các bài viết của tôi đăng ở các báo trong nước lẫn báo tỉnh thay tôi nói về thực tế hoạt động báo chí và suy nghĩ của tôi.
Trần Bạch Đằng
Nguồn: Tuổi Trẻ